Sau hơn 5 năm đàm phán, với hơn 20 vòng đàm phán quyết liệt và không ít những dịp bị lỡ hẹn (chưa kể hàng chục phiên đàm phán song phương của các nước tham gia hiệp định), ngày 5-10-2015 sẽ đi vào lịch sử thương mại thế giới bằng việc 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố kết thúc đàm phám.
Mặc dù việc ký kết hiệp định dự kiến sẽ tiến hành vào đầu năm 2016 sau khi Quốc hội các nước thông qua, song việc kết thúc đàm phán được coi là sự kiện quan trọng bậc nhất đối với thương mại toàn cầu.
Một chuyền may hàng xuất khẩu sang Mỹ của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. |
Toàn bộ các tờ báo lớn, các hãng thông tấn, đài truyền hình lớn trên thế giới và Việt Nam trong các số báo ra ngày 6-10 đều dành thời lượng rất lớn cho sự kiện đặc biệt này cho thấy tầm vóc, sự ảnh hưởng cũng như kỳ vọng vào thành công của TPP. Dư luận trong nước và quốc tế dành một sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện trọng đại, mở ra một trang mới trong lịch sử thế giới này.
Các chuyên gia cho rằng, khi TPP chính thức có hiệu lực thì hàng loạt những quy định, những chuẩn mực, những giá trị mới về thương mại… sẽ được “định nghĩa” lại. Theo phân tích của các chuyên gia, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia.
Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước thành viên TPP, tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, cũng như thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt hơn. TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21.
TPP có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt - Mỹ
TPP rất có ý nghĩa khi Mỹ đang chiếm phần lớn thị trường xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày và hàng thủy hải sản của Việt Nam, trong đó đặc biệt là hàng dệt may. Khi TTP có hiệu lực thì tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ sẽ rất lớn.
Mặt khác, những tiêu chuẩn hàng hóa… của Mỹ, về cơ bản là tiêu chuẩn chung của thế giời, nên nếu hàng hóa của Việt Nam vào được thị trường Mỹ, cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa của Việt Nam có thể đủ tiêu chuẩn vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Ông Adam R. Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham (Phòng Thương mại Mỹ), tại Hà Nội khẳng định: 12 nước TPP có thể gặt hái những lợi ích to lớn từ thương mại gia tăng, quan hệ kinh tế gần gũi hơn trong nhóm nước TPP. Trong đó, Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất trong số các nước TPP.
Theo tính toán của các chuyên gia, sau khi gia nhập hiệp định này, tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhanh hơn các nước đối tác còn lại. Đặc biệt, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới (Mỹ) một cách dễ dàng hơn.
Nhận thức rõ giữa cơ hội và thách thức
Rõ ràng, đây là cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hội nhập và phát triển. Vấn đề là các DN có nắm bắt được thời cơ, đánh giá lại mình để có chiến lược đầu tư, kinh doanh, lựa chọn đối tác… cũng như định hướng kinh doanh phù hợp để tồn tại và phát triển hay không. Vì khi không còn hàng rào thuế quan, không còn bảo hộ nữa thì nếu DN không có sản phẩm tốt, giá thành được người tiêu dùng chấp nhận thì DN chắc chắn sẽ phá sản, bởi khi đó người tiêu dùng có nhiều cơ hội mua sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành chấp nhận được.
Ông Nguyễn Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang-Phước Tường cho rằng: TPP vừa được ký kết mở ra một trang sử mới cho các giao dịch thương mại, Việt Nam chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển được buộc phải thay đổi cách quản trị, đổi mới công nghệ, hoạt động kinh doanh theo đúng quy luật kinh tế. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều thách thức mới. Một số ngành nghề sẽ gặp khó khăn về đầu vào nguyên vật liệu, chưa quen với thị trường cạnh tranh bình đẳng, chưa quen với rất nhiều vụ kiện tụng về kinh tế...
“Tôi nghĩ, Nhà nước sẽ có cách để giúp cho các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn này. Công ty đã chuẩn bị về quản trị; cán bộ, công nhân viên đã quen thuộc với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 và đang học cách sử dụng phần mềm ERP. Về công nghệ, công ty đã đầu tư nhiều công nghệ mới, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng khó tính trong và ngoài nước. Công ty tự tin chờ đợi TPP có hiệu lực”, ông Hà Giang cho biết.
Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ nhìn nhận: Là doanh nghiệp có ngành hàng dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được ký kết và có hiệu lực, nên đây là cơ hội để tổng công ty phát triển. Đây là “sân chơi” lớn nên công ty sẽ làm tất cả để nắm bắt cơ hội phát triển; tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ, vì thế tổng công ty đã có sự chuẩn bị tương đối tốt để hội nhập khi TPP có hiệu lực như đầu tư thêm 2 vạn cọc sợi để tăng sản lượng sợi, đầu tư cơ sở may các mặt hàng cao cấp, tổ chức sản xuất và hiện 90% sản phẩm của tổng công ty đang xuất khẩu sang Mỹ khá thuận lợi. Về lâu dài, tổng công ty còn phải đổi mới công nghệ, hiện đại hóa hệ thống quản trị, tăng cường công tác quản lý…
Bài và ảnh: Đức Thịnh