Từ đầu quý 4-2015, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai rà soát lại nguồn cung hàng hóa, đảm bảo số lượng, ổn định về giá cả những tháng cuối năm.
Các siêu thị đã chủ động nguồn hàng luân chuyển ổn định, nhằm giữ giá tốt cho khách hàng. |
Theo Sở Công thương thành phố, thời điểm gần cuối năm, hoạt động thương mại trên địa bàn tương đối sôi động nhờ vào các dịp lễ, giao mùa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2015 ước đạt 72.500 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2014. Đến nay đã có 14 doanh nghiệp (DN) tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết với tổng giá trị gần 387 tỷ đồng.
Trong đó, mặt hàng lương thực hơn 76 tỷ đồng, xăng dầu hơn 308 tỷ đồng, vật liệu xây dựng khoảng 1.750 tỷ đồng. Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, trong thời gian tới, sở tiếp tục theo dõi và vận động các DN có kế hoạch cụ thể để chủ động dự trữ hàng hóa, chuẩn bị một số mặt hàng thiết yếu góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Trước đó, phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão năm 2015, các đơn vị, DN lên kế hoạch dự trữ hàng hóa với giá trị trên 400 tỷ đồng. Các mặt hàng bao gồm lương thực, mỳ ăn liền và nước uống đóng chai của Cục Dự trữ quốc gia Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty TNHH Thương mại-dịch vụ Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng và một số DN khác.
Thị trường trong những tháng gần đây tiếp tục diễn biến ổn định. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, quả, cá, thịt đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa lớn ở nhiều nơi, mặt hàng rau, củ dễ hư hỏng nên hiện tại giá các mặt hàng rau, củ tăng khoảng 10% so với bình thường. Những mặt hàng khác giá tương đối ổn định so với tháng trước.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, năm nay các đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán trên địa bàn Đà Nẵng sẽ không được vay vốn ưu đãi như những năm trước (sử dụng ngân sách hỗ trợ vốn vay cho DN với lãi suất 0%). Thay vào đó, các chương trình kết nối DN - ngân hàng với lãi suất ưu đãi sẽ tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất, kinh doanh có nhiều sản phẩm có ưu thế cạnh tranh về giá.
Riêng đối với mặt hàng thịt heo, thành phố sẽ hỗ trợ cho DN tạm ứng vốn (không tính lãi, thời gian sử dụng vốn 60 ngày) để dự trữ nguồn hàng, triển khai bán bình ổn với giá thấp hơn thị trường và niêm yết công khai hằng ngày tại các điểm bán hàng.
Về nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chỉ đạo: Ngành Công thương, lực lượng quản lý thị trường không để tình trạng tăng giá đột biến; không để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lọt vào chợ hay siêu thị. Vận động các hộ kinh doanh thực hiện công khai, niêm yết giá; có biện pháp bảo đảm đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gom hàng, đầu cơ gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Tập trung thực hiện các chương trình hỗ trợ, bán trợ giá dịp Tết; đưa hàng về nông thôn, miền núi…
Qua khảo sát của chúng tôi trên thị trường, hiện nay ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, các khu vực đông dân cư đã có thêm nhiều cửa hàng, siêu thị tiện lợi với quy mô vừa như VinMart, Hapro ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Thanh Khê. Có thể nói, nguồn cung hàng hóa đang rất dồi dào, nếu được kiểm soát và quản lý chặt chẽ sẽ không lo biến động quá mức về giá dịp cuối năm.
Việc một số hiệp định thương mại tự do vừa được thông qua, ký kết (FTA của Việt Nam với Hàn Quốc, EU,…) hoặc kết thúc giai đoạn đàm phán TPP, các chuyên gia kinh tế trong nước phân tích, diễn biến thị trường từ đây đến cuối năm đang tạo hiệu ứng tích cực vào tình hình cung - cầu hàng hóa trên thị trường. Việc luân chuyển hàng hóa thuận lợi, đồng thời các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% tạo điều kiện cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có giá cả rất cạnh tranh.
Bài và ảnh: Duyên Anh