Mức tăng dự kiến là 5% sau khi Chính phủ bố trí được khoảng 11.000 tỷ đồng để điều chỉnh lương cho khu vực hưởng từ ngân sách.
Thông tin trên được ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho hay khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 10-11. Trước đó chưa đầy 2 tuần, cơ quan điều hành còn xin phép hoãn trình kế hoạch tăng lương đến tháng 3 năm sau vì ngân sách khó khăn.
"Sau khi Chính phủ khẳng định đã có nguồn để tăng lương thì bản dự thảo nghị quyết về phân bổ ngân sách đang được Ủy ban Tài chính và Ngân sách gấp rút chỉnh sửa để bổ sung nội dung này ngay trong chiều nay, và trình ra Quốc hội biểu quyết tại phiên họp sáng 11-11", ông Thụ nói.
Vị này cũng cho biết thêm, tại buổi làm việc cuối giờ chiều qua (9-11) giữa Ủy ban Tài chính - Ngân sách với các bộ ngành, đại diện Chính phủ đã đưa ra phương án thu xếp khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1-5-2016. Trong số này, ngân sách trung ương cân đối được khoảng 40%. 60% còn lại lấy từ địa phương.
“Việc ngân sách trung ương thu xếp được trên 4.000 tỷ là nhờ cơ cấu lại phần chi theo tinh thần triệt để tiết kiệm, cắt giảm 30% tiền chi hội nghị hội thảo, công tác… và chi cho cácdự án chưa thật cấp bách”, ông Thụ nói thêm.
Cũng theo phương án này, lương cơ sở sẽ tăng thêm 5%, từ mức 1.150.000 đồng một tháng lên 1.210.000 đồng (tăng 60.000 đồng). Đây là mức lương điều chỉnh đối với người lao động có hệ số từ 2,34 trở lên (bậc lương đầu tiên của người tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm.
Riêng nhóm đối tượng người hưởng lương hưu và người có lương thấp dưới hệ số 2,34 sẽ được giữ nguyên mức tăng 8% như đã điều chỉnh trong năm 2015 và thực hiện ngay từ 1-1-2016.
Trước đó, Chính phủ cho biết muốn theo dõi tình hình thu ngân sách, giá dầu… trong 2 tháng cuối năm nay và 2 tháng đầu năm sau rồi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp khai mạc tháng 3. Tuy nhiên khi thảo luận tại hội trường, nhiề ý kiến đã đề nghị Chính phủ phải cân đối lại để có nguồn tăng lương, chậm nhất là từ giữa năm 2016.
Theo Express