Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng (TTKC) đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tư vấn, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến công năm 2015.
Việc hỗ trợ này đã mang lại những lợi ích thiết thực, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn tại địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đại diện Cục Công nghiệp địa phương và Sở Công thương trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các cơ sở. |
Theo TTKC, các cơ sở công nghiệp nông thôn hiện đã thu hút gần 4.000 lao động tham gia và tạo việc làm mới cho hơn 500 lao động mỗi năm. Đây là một trong những kết quả mà chương trình khuyến công quốc gia đem lại khi triển khai tại Đà Nẵng.
Chính sách khuyến công đã hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn, đào tạo dạy nghề, cấy nghề, nâng cao năng lực quản lý cho chủ cơ sở, hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp địa phương.
Năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố tiếp tục thực hiện các nội dung của đề án hỗ trợ đăng ký và phát triển thương hiệu với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Hiện đã có 10 đơn vị được trao giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu gồm: Cơ sở nước uống Ngọc Cường, Cơ sở sản xuất móc inox Nguyễn Tri Vinh, Cơ sở sản xuất nấm Phú Tài, Cơ sở sản xuất than sinh học Khải Đăng, Công ty TNHH Chiến Toàn, Công ty TNHH Nến Hướng Dương, Công ty CP Giang Minh Hoàng, Công ty TNHH MTV Cường Xuân, Công ty TNHH MTV Phát Việt Vương và Công ty TNHH SX và TM Hải Vy. Trong 3 năm qua, Đà Nẵng thực hiện được 3 đề án, hỗ trợ 24 đơn vị xây dựng và đăng ký thương hiệu, nhưng đó vẫn là con số khiêm tốn so với sự kỳ vọng làm được nhiều hơn nữa của khuyến công địa phương.
Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, cho hay: “Với kinh phí và nguồn lực hạn chế, hiện nay không phải địa phương nào cũng làm được. Đà Nẵng làm được tuy chưa phải “ngon lành”, nhưng tôi cho rằng đó là một thành công. Hiện một số doanh nghiệp có tiềm lực tương đối nhưng một mình tự vận động còn chưa làm được, nếu có khuyến công hỗ trợ chắc chắn sẽ vững vàng hơn.
Thực tế đã có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, uy tín trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu nhưng chưa đăng ký nhãn hiệu. Đó là thực trạng đáng tiếc bởi vì nhiều lý do, các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn chưa nắm bắt và ý thức hết tầm quan trọng của việc đăng ký xây dựng thương hiệu cho mình”.
Thời gian tới, TTKC sẽ tiếp tục triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đối tượng được thụ hưởng trong Chương trình khuyến công thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhãn hiệu thông thường đăng ký trong nước.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương), Chương trình khuyến công quốc gia có nhiều nội dung, trong đó việc đăng ký xây dựng thương hiệu giúp cho các doanh nghiệp ở Đà Nẵng được hưởng lợi. So với nhiều địa phương khác, cách làm mới của khuyến công Đà Nẵng có bước đột phá. Đối với những đối tượng hưởng lợi chương trình là những cơ sở, doanh nghiệp siêu nhỏ thì ý nghĩa còn được nhân lên rất nhiều. Đà Nẵng có thể đưa ra kinh nghiệm này cho nhiều trung tâm khuyến công khác học tập theo.
Ông Lê XuânThủy, Trưởng đại diện Cục Công nghiệp địa phương tại Đà Nẵng, nhìn nhận: “Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn có thể xem như một tờ giấy khai sinh đặt tên, tuổi, để nuôi con khôn lớn. Chúng tôi sẽ tranh thủ thêm nhiều nguồn tài trợ chương trình để chính sách khuyến công đi vào thực tế hơn, giúp doanh nghiệp Đà Nẵng phát triển bền vững”.
Theo Sở Công thương thành phố, hoạt động khuyến công hiện vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định. Do đó, giai đoạn 2016-2020, khuyến công Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở thúc đẩy các ngành nghề, sản phẩm có lợi thế, khôi phục và đẩy mạnh những ngành nghề truyền thống. Đồng thời, phát triển ngành nghề mới phù hợp với địa phương, ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH