Sau dệt may, da giày, cơ khí là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp cơ khí mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị, công nghệ phục vụ hội nhập.
Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường là một trong những doanh nghiệp cơ khí có bề dày thành tích. Trong ảnh: Sản xuất ống áp lực cho các nhà máy thủy điện nhỏ. |
Manh mún ngành cơ khí thành phố
Trong giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành cơ khí thành phố 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp 2%. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đổi mới công nghệ, thiết bị đã sản xuất ra những sản phẩm rất đáng trân trọng như: các loại ống áp lực (của Công ty CP Cơ điện miền Trung, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường), phục vụ cho các nhà máy thủy điện trên toàn quốc, kể cả Nhà máy thủy điện Sơn La - có công suất lớn nhất Đông Nam Á, hoặc các loại tàu chuyên dụng, tàu đa năng của Tổng Công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng).
Tuy vậy, nhìn chung tiềm lực ngành cơ khí thành phố còn rất hạn chế, cả về công nghệ, thiết bị, đặc biệt số lao động lành nghề luôn thiếu và yếu, ít được đào tạo bài bản. Hoạt động chưa có sự gắn kết, chưa có những đơn vị có “tầm” để xâu chuỗi những đầu mối, đủ tư cách, năng lực đứng ra nhận những hợp đồng giá trị lớn của các dự án quy mô trong nước. Các DN trong ngành hầu hết làm các nhà thầu phụ với một ít chi tiết nhỏ, có giá trị không cao, lợi nhuận thấp, không có tích lũy và phát triển chậm.
Cơ hội thay đổi tích cực
Để ngành cơ khí Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng phát triển ổn định, bền vững, điều quan trọng nhất tại thời điểm này là tăng cường liên kết giữa các DN cơ khí. Bà Hoàng Thị Hồng Nhạn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khải Phát nhận định: Với xu hướng hội nhập hiện nay, việc “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm cơ khí rất khó khăn, chưa nói đến khả năng cạnh tranh.
Có thể thấy các DN cơ khí trong nước không thể so sánh về tiềm lực, kinh nghiệm đối với DN nước ngoài. Do vậy, phải tăng cường tính liên kết theo hướng bổ trợ lẫn nhau, tránh đầu tư dàn trải, trùng lắp. Thực tế sự liên kết giữa các DN trong nước và thành phố, nhất là DN vừa và nhỏ còn rất lỏng lẻo, gây khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Việc xây dựng liên danh tổ hợp nhà thầu (có nhiều DN tự nguyện tham gia) để cùng nhau tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm, tạo mối liên kết cũng như quy hoạch đồng bộ với các ngành khác để hợp tác phát triển, có ý nghĩa rất quan trọng.
Đánh giá cao cơ hội cho các DN trong ngành cơ khí thành phố hiện nay, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lilama7 cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, muốn biến những cơ hội này thành hiện thực thì phải nghiêm túc đánh giá lại thực trạng để có giải pháp phù hợp. Quá trình phát triển của ngành cơ khí trong quá khứ đã để lại những bài học đắt giá cho các DN và công tác quản lý Nhà nước.
Cơ hội cho ngành cơ khí Việt Nam nằm chính ngay trong tiến trình phát triển của cả đất nước; việc ký kết các hiệp định nói trên là một thí dụ. Đây là cơ hội về việc làm, cơ hội cho sự phát triển, nhưng cũng là áp lực buộc ngành, DN phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, phương pháp quản lý, tiếp cận thành tựu khoa học mới, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ lao động, mở rộng thị trường. Các nhà hoạch định chính sách phải đẩy nhanh quá trình quy hoạch ngành, chiến lược phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.
TS Nguyễn Thế Tranh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) khẳng định: Một trong những nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển của ngành để hội nhập là đào tạo nguồn nhân lực. Để có nguồn nhân lực bậc cao với trình độ chuyên môn tiên tiến, kỹ năng giỏi, tư duy tốt… cần phải tăng cường phối hợp giữa DN với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực cơ khí. Đẩy mạnh công tác phối hợp và hỗ trợ phát triển về khoa học-công nghệ, tiến tới các trường sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng cho DN.
Theo Bộ Công thương, từ năm 2013-2025, dự tính tổng vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp nước ta lên tới gần 290 tỷ USD. Trong đó, giá trị thiết bị (sản phẩm của ngành cơ khí) chiếm từ 70-75%, tương đương khoảng 202 tỷ USD (Những số liệu này được đưa ra trước khi 3 hiệp định quan trọng được ký kết trong năm 2015). Tuy nhiên, sau khi các hiệp định này được ký kết thì giá trị các thiết bị sẽ tăng thêm khoảng từ 15%-20% so với số liệu dự báo của Bộ Công thương. |
Bài và ảnh: Đức Thịnh