Kinh tế
Tháng khuyến mại năm 2015: Tăng sức hấp dẫn
Tổ chức định kỳ mỗi năm một lần, từ năm 2007 đến nay, “Tháng bán hàng khuyến mại” tại thành phố Đà Nẵng được ghi nhận dù có cố gắng, nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tính hấp dẫn cần có.
Bán hàng khuyến mại phải bảo đảm yêu cầu chất lượng hàng hóa. Trong ảnh: Chương trình dùng thử sản phẩm của nhãn hàng rượu Hibiscus. |
Chưa thực sự hiệu quả
Nhìn lại chương trình “Tháng bán hàng khuyến mại” những năm qua, ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) thành phố cho rằng: Chương trình chưa thu hút được người tiêu dùng. Nguyên nhân một phần do kinh tế khó khăn, sức mua hạn chế, nhất là đối với hàng hóa không thuộc nhóm thiết yếu. Khảo sát của Ban tổ chức cho thấy, tại một số điểm bán hàng khuyến mại, trong 1-2 ngày đầu triển khai chương trình lượng khách có tăng nhưng chủ yếu đi tham quan, khảo giá hoặc mua những hàng hóa giá trị thấp. Nhiều người tỏ ra không tin tưởng rằng chương trình khuyến mại thực sự đem lại lợi ích cho khách hàng.
Theo Trung tâm XTTM, trong hai năm 2013-2014, có trên 500 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia với 1.000 chương trình khuyến mại. Điều đó có thể thấy số lượng khá “hoành tráng”, nhưng thực tế, hiệu quả đem lại cho DN không cao. Bởi trong một năm, trên địa bàn thành phố, Sở Công thương tiếp nhận và xác nhận hàng ngàn đợt khuyến mại lớn, nhỏ.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty Giày BQ chia sẻ: “Thực lòng mà nói, tháng bán hàng của chúng ta chưa đi vào chiều sâu và chưa tạo được độ sốc cho người tiêu dùng. Ngày vàng giảm giá 50% chúng tôi áp dụng đã giải phóng được hàng tồn kho, dù sản phẩm chất lượng cao nhưng nhiều người dân vẫn nghi ngờ”.
Đánh giá về công tác tổ chức “Tháng bán hàng khuyến mại”, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thẳng thắn nói: “Năm nào Đà Nẵng cũng làm chương trình, song chưa đạt được kết quả cao. Đó là do lâu nay cách làm của DN quá manh mún, nhỏ lẻ, tác động chưa lớn, nặng tính phong trào. Năm nay, các DN tiêu biểu, hộ kinh doanh trong các chợ lớn cần ngồi lại, bàn thêm về vấn đề này, rút kinh nghiệm từng năm. Đừng để như trước đây, sau khi tổ chức buổi lễ khai mạc, mạnh ai nấy làm, thiếu tính thống nhất; thậm chí có DN còn đưa hàng kém chất lượng vào làm mất niềm tin của người tiêu dùng, gây tác dụng ngược. Đề nghị thành phố đặt ra trong “Tháng bán hàng khuyến mại” sau khi kết thúc phải thúc đẩy hoạt động mua sắm, làm cho thị trường sôi động, chính sách thương mại phát triển mạnh hơn. Mục tiêu cuối cùng là DN có lợi mà khách hàng cũng thụ hưởng được nhiều ưu ái hơn”.
Có sẵn sàng làm “cú sốc”?
Khuyến mại và kích cầu là việc làm thường xuyên, nhưng để làm khác hơn, theo ý kiến đại diện của một số DN, hộ kinh doanh là phải làm “sốc” thì chương trình mới hấp dẫn. Chẳng hạn như Ban tổ chức trao biểu trưng cho các DN tham gia, giúp người tiêu dùng dễ nhận diện chương trình; sử dụng bảng cổ động tại các vòng xoay trên một số tuyến đường; phát tờ rơi các mặt hàng khuyến mại cho du khách tại sân bay, xây dựng trang thông tin trên các trang điện tử, mạng xã hội… để đưa nhiều thông tin đến người tiêu dùng…
Ông Phan Hải đề xuất: Đối với chương trình này phải làm “sốc” thì người ta mới chú ý, rồi người dân mới được hưởng lợi. Tuy vậy, chúng tôi cũng muốn địa phương hỗ trợ bố trí lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự trong những ngày “vàng”.
Theo gợi ý từ lãnh đạo Sở Công thương, nếu muốn, DN tham gia chương trình có thể giảm giá tới 50% nhưng chất lượng hàng hóa phải bảo đảm, nhằm tránh mang tiếng kích cầu hàng kém chất lượng. Đối với các chợ hạng 1, hạng 2 của thành phố, Công ty Quản lý hội chợ - triển lãm và các chợ phải vận động được tiểu thương tham gia tích cực, hướng đến tính thụ hưởng thì chương trình mới bền vững cho các năm tiếp theo.
Hệ thống siêu thị, ngoài những chương trình khuyến mại đã làm rải rác, cần làm khác hơn trong “Tháng bán hàng khuyến mại”. Các nhà sản xuất, phân phối dịch vụ cần tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm uy tín của nhau.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố nhận định: Tháng 12 là thời điểm các DN thương mại, du lịch quảng bá các sản phẩm mới ra thị trường. Vì lợi ích của chính DN và người tiêu dùng, các đơn vị nên chú trọng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nhất là phải công khai, niêm yết giá. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ DN bằng những biện pháp có thể…
"Sở Công thương sẽ hỗ trợ tất cả những gì có thể cho DN về thủ tục, quảng bá, truyền thông, những chính sách khác của Nhà nước. Trường hợp nào gặp khó về thủ tục trong tháng bán hàng, hoặc giảm giá hàng hóa ảnh hưởng đến chính sách thuế, hạch toán, kế toán, doanh thu… cứ làm văn bản gửi sở. Riêng đối với lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát thị trường, nếu lực lượng Quản lý thị trường gây khó khăn cho DN thì cứ điện thoại trực tiếp tôi sẽ xử lý ngay" Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng |
Bài và ảnh: Duyên Anh