Nguyên liệu là yếu tố rất quan trọng để ngành dệt may, da giày hội nhập trong thời gian tới, đặc biệt là với TPP. Riêng đối với ngành dệt may, yếu tố này đặc biệt quan trọng.
Theo quy định của TPP, các nước tham gia TPP muốn được hưởng ưu đãi với thuế suất bằng không (0%), phải tuân thủ công thức từ sợi trở đi, tức là sản phẩm dệt may của nước xuất khẩu (xuất khẩu vào các nước trong TPP) phải được sản xuất tại nước đó kể từ khâu sợi trở đi đến thành phẩm, hoặc nhập khẩu nguyên liệu ở các nước có tham gia hiệp định.
Nhưng thực tế đối với ngành dệt may nước ta mới chủ động được 40% vải và 30% nguyên liệu sợi. Số còn lại phải nhập khẩu. Hiện ngành dệt may phải nhập sợi và vải chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó Trung Quốc lại chưa tham gia hiệp định, đây là trở ngại rất lớn, là bài toán nan giải của ngành dệt may Việt Nam nói chung và của ngành dệt may thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, đáp ứng được các tiêu chuẩn của TPP, ngành dệt may thành phố đã có kế hoạch từ nhiều năm trước. Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (TCT), từ năm 2012, khi TPP đang đàm phán, TCT đã đầu tư 2 vạn cọc sợi và chủ động khai thác nguồn sợi từ các nước tham gia hiệp định như Mexico, Malaysia… Nhờ vậy, sản lượng sợi của TCT đã lên tới gần 13.000 tấn vào năm 2014 và khoảng 15.000 tấn trong năm 2015, cơ bản đáp ứng nhu cầu dệt vải làm nguyên liệu cho nhu cầu may sản phẩm xuất khẩu của TCT. Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc TCT CP Dệt may Hòa Thọ, cho biết: Do dự đoán được việc TPP sẽ được ký kết, nên nhiều năm qua TCT đã chuẩn bị tương đối tốt để hội nhập khi hiệp định có hiệu lực như đầu tư thêm 2 vạn cọc sợi để tăng sản lượng sợi, đầu tư cơ sở may các mặt hàng cao cấp như veston, quần áo nam cao cấp... Hiện nay 90% sản phẩm của TCT xuất khẩu sang Mỹ, nhờ đó khá thuận lợi khi TPP có hiệu lực. Nhưng về lâu dài, TCT phải đổi mới công nghệ, hiện đại hóa hệ thống quản trị, tăng cường công tác quản lý… để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển.
Đối với Công ty CP Dệt may 29-3, mỗi năm cần khoảng 600 đến 700 tấn sợi phục vụ cho công đoạn dệt, chủ yếu là dệt khăn các loại. Sản phẩm này chủ yếu xuất qua Nhật Bản và Mỹ nên cũng khá thuận lợi vì cả 2 thị trường này đều của các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của TPP, công ty đã chủ động liên hệ và ký hợp đồng lâu dài với các đơn vị cung cấp sợi trong nước nên đã có nguồn hàng ổn định. Hiện, công ty đã có kế hoạch tiếp cận các thị trường mà Việt Nam đã và sẽ tham gia trong tương lai như EU, Hiệp định thương mại Á - Âu, Hàn Quốc…
Công ty CP Dệt Hòa Khánh Đà Nẵng là đơn vị duy nhất trên địa bàn thành phố sản xuất các sản phẩm vải kaki, cotton, jean... với sản lượng đạt 11,4 triệu mét/năm. Ngoài ra, công ty còn sản xuất khoảng 600 tấn vải màn tuyn, tương đương với gần 8 triệu mét (quy chuẩn). Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong nước, trong đó tại các địa phương khác (80%), tại Đà Nẵng (20%). Là đơn vị có sản lượng không lớn so với nhiều DN khác, đồng thời sản phẩm của công ty chủ yếu là tiêu thụ nội địa và cung cấp cho các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu nên công ty khá tự tin khi TPP và các hiệp định khác sẽ có hiệu lực vào năm sau. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu khi TPP có hiệu lực, trong những năm qua, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, từng bước đổi mới công nghệ, hoàn thiện dây chuyền khép kín từ khâu dệt, nhuộm đến cắt may để tranh thủ thời cơ phát triển sản xuất trong những năm tới.
Trong lĩnh vực quần áo may sẵn, hiện trên địa bàn thành phố có 79 doanh nghiệp tham gia sản xuất, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô và năng lực tổ chức sản xuất tốt, công nghệ đã và đang từng bước được đầu tư đổi mới, được khách hàng quốc tế công nhận. Sản lượng năm 2014 của ngành hàng may mặc đạt khoảng 31,54 triệu sản phẩm, bằng 71,5% công suất. Sản phẩm đã có nhiều cải tiến đáng kể, từ chỗ chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản như áo sơ mi, quần áo trẻ em, bảo hộ lao động; đến nay nhiều cơ sở đã sản xuất được các sản phẩm phức tạp, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng cao như áo Jacket, quần âu, veston, bộ quần áo thể thao… Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn làm gia công theo đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài, khâu thiết kế mẫu và nghiên cứu phát triển sản phẩm còn yếu. Để chuẩn bị gia nhập TPP, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu và liên kết với các DN mạnh trên địa bàn và trong nước để hội nhập.
Ngành dệt may là ngành có nhiều lợi ích nếu gia nhập TPP, tuy nhiên, để được chấp nhận ở các nước tham gia hiệp định, cũng như cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập ngay ở thị trường trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý... đó chính là các giải pháp quan trọng, thiết thực để tồn tại và phát triển.
Đức Thịnh