Cuối năm, hoạt động mua bán hàng hóa trở nên sôi động với những diễn biến thị trường khó lường về giá cả, chất lượng. Đây cũng là thời điểm gia tăng các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gây tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng và thách thức công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng.
Qua mỗi đợt tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng lại rùng mình với những nỗi lo. |
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng, đến giữa tháng 12-2015, lực lượng ngành đã xử lý trên 6.400 vụ, tăng 1.411 vụ so với cùng kỳ năm 2014 với tổng số tiền thu xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 18 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2014.
Các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại đều tăng về số vụ lẫn mức độ. Cụ thể, đã phát hiện và xử lý 91 vụ hàng lậu, 42 vụ hàng cấm, tịch thu 34.468 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, 147 vụ hàng giả trong lưu thông và tại chỗ.
So với cùng kỳ năm 2014, số thu xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc có hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa nhập lậu tăng 134,17%, hàng cấm tăng 102,93%, gian lận thương mại tăng 62,14%, vi phạm kinh doanh tăng 24,37%. Những hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là về giá, nhãn hàng hóa…
Về lĩnh vực hàng giả, chủ yếu là các loại đồng hồ đeo tay mang nhãn hiệu nổi tiếng như Casio, Rado, Omega, Rolex, Tissot, Longines; túi xách, ví cầm tay của Chanel, Prada, Burberry; giày thể thao của Adidas, Nike; quần áo Levi’s, Calvin; hàng phụ tùng xe máy của Honda, Yamaha; dầu nhớt Honda, Castrol; bột trét tường Dulux; loa, âm-ly Arirang…
Đáng chú ý, năm nay xuất hiện nhiều hàng tiêu dùng, thực phẩm làm giả, kém chất lượng như nước khoáng hoa quả, sâm nước Hàn Quốc, mì chính Ajinomoto, sữa Ensure và thuốc tân dược.
Về vấn nạn hàng lậu, hàng nhái ngày càng tăng, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố nhận định: “Các đối tượng hoạt động bất chính với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Chúng hoạt động không theo một quy luật nào và thường tận dụng mọi kẽ hở về không gian, thời gian, thậm chí còn theo dõi chặt chẽ, nắm bắt quy luật hoạt động của các lực lượng kiểm soát thị trường tại địa phương để vận chuyển, kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Tồn tại thực trạng hàng gian, hàng giả là do sự tiếp tay một bộ phận cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận cố tình kinh doanh các mặt hàng lậu, hàng cấm và trái phép. Ngoài ra, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ưa thích hàng ngoại, dù hàng có thể kém chất lượng, giá rẻ”.
Thực tế, thời gian qua, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng về hàng Việt chất lượng cao, một số cơ sở tư nhân đã tuồn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mua hàng ngoại nhập giá rẻ, mua hàng Trung Quốc về gia công, lắp ráp lừa thành hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Đội trưởng Đội QLTT số 8 cho hay, việc phát hiện xử lý mới tập trung vào các cửa hàng nhỏ lẻ, những đường dây lớn có quy mô lớn chưa thể “tấn công” triệt phá tận gốc. Vì vậy, một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, mặt khác lực lượng QLTT phối hợp các đơn vị phát hiện thông tin; đại diện thương hiệu của các nhãn hàng cần cập nhật mẫu mã cho lực lượng chức năng để tiến hành nhận diện kịp thời.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân, trước tình hình thị trường phức tạp, Cục QLTT Trung ương đã có văn bản chỉ đạo Chi cục QLTT thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, theo dõi tình hình thị trường về diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm nạn tăng giá quá mức các loại hàng hóa, dịch vụ… và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
"Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Chi cục QLTT thành phố phải xây dựng kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không được để tăng giá đột biến. Phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện đúng pháp luật; đồng thời phối hợp hiệu quả với các lực lượng chống hàng giả, nhằm chủ động dự báo tình hình thị trường… Các cán bộ QLTT phải nâng cao đạo đức công vụ, trang bị kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn để nhận biết xử lý hàng gian, hàng giả. Đợt cao điểm trước, trong và sau Tết, đề nghị các đội QLTT phụ trách địa bàn cần bám sát địa bàn của mình, để xảy ra tình hình bất ổn đội trưởng phải chịu trách nhiệm" Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết |
Bài và ảnh: Duyên Anh