Kinh tế
Bài 2: Hội nhập mạnh thị trường công nghệ thông tin
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tuyên bố chính thức hình thành Cộng đồng và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trong khu vực hợp tác, phát triển trên lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Đây còn là “cú hích” cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuyển dụng nguồn lao động giỏi… trong bối cảnh hợp tác trong khu vực ngày càng đi vào chiều sâu.
Các nước ASEAN tìm hiểu sản phẩm công nghệ thông tin của doanh nghiệp địa phương. |
Biến thách thức thành cơ hội
Các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) cho rằng, đến nay nhiều nước trong khu vực đánh giá rất cao về năng lực gia công CNTT (ITO) của Đà Nẵng, đưa thành phố trở thành một điểm đến mới nổi, ngày càng có sức hấp dẫn về ITO.
Nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, không ít DN lớn, tập đoàn trong khu vực tìm đến “thành phố ven sông Hàn” để ký kết các hợp đồng về gia công phần mềm, tạo ra cơ hội rất lớn cho nhiều DN muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Với việc gia nhập “cuộc đua” công nghệ trong khu vực ngày càng khốc liệt, nhiều DN CNTT mới thành lập đã biến thách thức thành cơ hội, tập trung khai thác những thị trường trọng điểm mà DN có thế mạnh cũng như thu hút nguồn nhân lực giỏi từ các nước bạn.
“Hội nhập với chúng tôi vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Thách thức là làm sao bắt kịp với những tiêu chuẩn quốc tế khi làm ra một sản phẩm CNTT nhưng đây cũng chính là cơ hội cho chúng tôi học hỏi thêm từ các nước bạn. Vì vậy, tôi nghĩ thách thức và cơ hội đều mang lại những thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp địa phương, giúp chúng tôi tiếp cận thị trường khu vực từ những ngày đầu mới hình thành ý tưởng”, chị Trần Vũ Nhã Khuyên, Phó Giám đốc Công ty V.B.P.O chia sẻ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 15 (ASEAN TELMIN 15) được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, các Bộ trưởng đồng quan điểm khi cho rằng, ngoài việc thu hẹp khoảng cách số trong khu vực thì các nước nên hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp cho các DN vừa và nhỏ ở địa phương tham gia vào lĩnh vực CNTT.
Điều này sẽ tạo giá trị gia tăng mới cho ngành cũng như cho toàn bộ nền kinh tế, tạo phương thức phát triển mới, đem lại cơ hội cho mọi cá nhân, mọi DN và mọi quốc gia.
“CNTT được xem là một trong những lĩnh vực hội nhập tiên phong làm nền tảng cho các kết nối về kinh tế, xã hội, văn hóa giữa các nước thành viên trong khu vực ASEAN. Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp các DN vừa và nhỏ hình thành mạng lưới khởi nghiệp, kêu gọi các trường đại học và cao đẳng trong khu vực hợp tác với DN trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống băng thông rộng đạt tiêu chuẩn quốc tế nâng cao sức cạnh tranh cho DN”, Phó Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông thế giới ITU Malcolm Johnson cho biết.
Theo các chuyên gia CNTT, khi AEC hình thành, thị trường tuyển dụng sẽ được mở rộng giúp các công ty khởi nghiệp tại Đà Nẵng dễ dàng tuyển được nguồn lao động giỏi. Ngược lại, nguồn lao động giỏi từ nước ngoài vào Đà Nẵng cũng sẽ giúp chất lượng nguồn nhân lực CNTT địa phương được nâng lên vì DN buộc phải cải thiện để cạnh tranh.
“Với nguồn nhân lực giỏi di chuyển tự do trong khu vực thì thời gian tới cộng đồng CNTT hứa hẹn sẽ sôi động hơn và cạnh tranh tăng lên vì nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ các nước bạn sẽ vào khai thác tại thị trường Đà Nẵng”, ông Trần Xuân Vượng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Gameloft Sea tại Đà Nẵng cho hay.
Để nắm bắt được “làn sóng” mới từ thị trường ASEAN, nhiều DN CNTT địa phương đã tập trung đào tạo và nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực như điện toán đám mây, ứng dụng ICT, mạng lưới, thông tin đa phương tiện...
Hướng tới xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện
Theo các chuyên gia về CNTT, điểm yếu của ngành phần mềm Đà Nẵng khi gia nhập AEC là thiếu kinh nghiệm về quản trị DN. Hiện DN địa phương có đủ năng lực về quản trị chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung ở những DN “khỏe” như FPT Software Đà Nẵng hoặc những DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều DN CNTT phải thuê CEO (giám đốc điều hành) của nước ngoài với mức lương khủng, trong khi ở thị trường địa phương “tìm đỏ mắt” vẫn không ra. “Chúng ta có thể học được cách quản lý DN cũng như tận dụng CNTT của nước ngoài khi thuê CEO.
Tuy nhiên điều này sẽ khiến DN địa phương bị động, kém sức cạnh tranh hơn so với DN nước ngoài. Để tháo gỡ khó khăn lớn nhất hiện nay của DN trong việc tuyển dụng người đủ năng lực quản lý dự án thì các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố nên thay đổi chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế hơn”, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (IID) khuyến cáo.
Theo các chuyên gia CNTT, hiện nay ngành phần mềm Đà Nẵng phần lớn đi theo xu hướng gia công cho các dự án của đối tác nước ngoài, trong khi đó nhiều DN vẫn muốn tự mình làm ra sản phẩm hoàn thiện để tạo doanh thu cao hơn.
“Với việc nâng cao thương hiệu ngành phần mềm trong thời gian tới, các DN CNTT địa phương hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm mang tầm cỡ quốc tế mà không phụ thuộc vào một hãng công nghệ nào, sẵn sàng cho việc xuất khẩu các sản phẩm CNTT ra khu vực”, anh Trần Kiêm Dũng, Phó Giám đốc Khối giải pháp Công ty CP Công nghệ DTT chia sẻ.
Để làm được điều này, các chuyên gia CNTT cho rằng, ngành phần mềm Đà Nẵng nên tiếp thu bài học kinh nghiệm từ ngành dệt-may. “Từ chỗ làm gia công đến nay nhiều DN dệt- may đã tự mình làm ra một sản phẩm hoàn thiện. Bởi vì, việc làm ra một sản phẩm hoàn thiện bao giờ cũng đem lại giá trị gia tăng cao hơn so với làm gia công. Ngành phần mềm cũng như vậy. Hiện nay, gia công phần mềm là “bước đệm” để DN địa phương tạo doanh thu và thương hiệu, “rèn quân” trong môi trường cạnh tranh mới, cải thiện quy trình, nắm bắt công nghệ thế giới…”, ông Thanh nhìn nhận.
Với việc gia nhập AEC, các DN CNTT địa phương sẽ không còn quẩn quanh ở những thị trường truyền thống như Mỹ và Nhật Bản mà tìm kiếm thị trường tiềm năng như Indonesia, Malaysia, Myanmar… ASEAN sẽ không trở thành thách thức nếu DN CNTT biết biến thách thức thành cơ hội, có định hướng tốt trong “sân chơi” mới.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN