Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành là nhằm “gắn kết những nền kinh tế sôi động, có khả năng cạnh tranh và tích hợp cao”. Vì vậy, với Đà Nẵng, ngành dịch vụ logistics sẽ trở thành vị trí địa lý “đắc địa” của điểm cuối ra Thái Bình Dương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là một cơ hội vô cùng quý báu để Đà Nẵng phát huy hết tiềm năng lợi thế của ngành logistics.
Bốc xếp hàng container tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. |
Nằm ở trung điểm của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thành phố Đà Nẵng hội tụ gần như đầy đủ những yếu tổ quan trọng về hạ tầng cơ sở để ngành logistics phát triển mạnh mẽ.
Về các cơ sở thiết yếu như điện, Đà Nẵng hiện có 50 trạm phát được kết nối với đường dây 500kV quốc gia; nguồn cấp nước với tổng công suất đạt trên 200.000m3/ngày và dự kiến vào năm 2020 sẽ được nâng lên gấp đôi.
Hạ tầng công nghệ thông tin-viễn thông đầu mối Đà Nẵng đã được kết nối trực tiếp với tuyến cáp quang biển quốc tế với tốc độ 10GBs, sóng wifi đã phủ kín khắp thành phố. Ngoài ra còn có 761 công ty chuyên hoạt động trên lĩnh vực vận tải, kho bãi, gần 60 chi nhánh ngân hàng được kết nối giao dịch quốc tế và 30 công ty bảo hiểm trong nước và quốc tế hoạt động “phủ sóng” hầu hết trên mọi lĩnh vực. Với bản “sơ yếu lý lịch” như vậy, có thể nói Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần cho ngành logistics phát triển.
Đặc biệt về điều kiện “đủ” là hạ tầng giao thông, Đà Nẵng đang tập trung cải thiện mạnh mẽ, toàn diện có tính kết nối cao nhằm tạo ra một lợi thế của thành phố. Cảng Đà Nẵng , gần 10 năm nay tập trung đầu tư mạnh mẽ cho vận tải hàng hóa container đã cho thấy đây là một hướng đi mang tính đón đầu rất cao.
Với năng lực có thể tiếp nhận tàu chở hàng rời lên đến 45.000 DWT/tàu và tàu container 2.000 TEUs, tàu khách trên 75.000 GRT, hiện tải cảng biển Đà Nẵng có thể đáp ứng ngay các yêu cầu những khách hàng logistics. Với tần suất 10-14 chuyến hàng container/tuần hiện nay và có thể tăng gấp đôi trong vài năm đến, có thể nói Cảng Đà Nẵng hoàn toàn giải được bài toán “tàu ít giá cao, giá cao tàu ít” mà nhiều cảng biển miền Trung gặp phải.
Đặc biệt, theo kế hoạch năm 2016, Cảng Đà Nẵng sẽ xây dựng trung tâm logistics với quy mô từ 20-30ha, cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics như xử lý thủ tục hải quan phi giấy tờ, vận chuyển theo dõi, giám sát hàng hóa gửi, thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa...
Sân bay quốc tế Đà Nẵng vừa khởi công nhà ga mới sẽ đưa vào khai thác năm 2017, dự kiến đến năm 2020 sẽ đón khoảng 13 triệu lượt khách. Trong tương lai gần sẽ tiếp tục xây dựng nhà ga chuyên dụng phục vụ hàng hóa nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng hàng hóa hằng năm là 15%, để đến năm 2020 luợng hàng hóa thông qua sân bay từ 23.000-30.000 tấn/năm.
Với tiềm năng như vậy, có thể nói Sân bay quốc tế Đà Nẵng có thể đáp ứng được dịch vụ logistics bằng đường hàng không trong thời gian đến. Về hệ thống đường sắt, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương sẽ chuyển ga hiện hữu ra khỏi trung tâm thành phố, và thay vào đó sẽ xây dựng chuyên biệt ga hành khách và ga hàng hóa.
Các ga mới này được kết nối vào hệ thống đường cao tốc qua khu vực miền Trung. Như vậy, với ưu điểm vượt trội về giá thành vận tải, hệ thống đường sắt sẽ thêm lựa chọn cho khách hàng.
Đặc biệt, hệ thống đường bộ được tập trung xây dựng khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây đã nâng tổng chiều dài các tuyến đường của thành phố lên gần 1.300km, cơ bản đã khớp nối vào hệ thống quốc lộ, cảng biển, sân bay, ga đường sắt bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Dự kiến đến năm 2020, tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Đà Nẵng-Huế hoàn thành đi vào hoạt động, cùng với tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây kết nối với cửa khẩu Đắc Ốc sẽ tạo ra một sức hút rất lớn không những hàng hóa trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà cả hàng hóa của các nước trên tuyến hành lang như Lào, Thái Lan, Myanmar .
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thuận lợi như vậy, nhưng nếu so sánh chung về chất lượng dịch vụ logistics của thành phố vẫn còn thấp so với hai đầu đất nước và còn tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực AEC.
Tồn tại lớn nhất là nguồn nhân lực cho ngành logistics còn thiếu và yếu về các nghiệp vụ vận tải quốc tế, giao dịch quốc tế cũng như khả năng ngoại ngữ trong giao tiếp với khách hàng. Số doanh nghiệp của thành phố hoạt động trên lĩnh vực logistics mặc dù có tăng mạnh về số lượng, nhưng tiềm lực và quy mô vẫn rất nhỏ bé, hầu hết đều hoạt động liên kết, ký gửi với các nhà logistics quốc tế...
Giải bài toán này, theo các chuyên gia về logistics trong khu vực thì không có con đường nào khác là các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tự động hóa các khâu xếp dỡ hàng hóa, rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa; cắt giảm các quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian cho khách hàng.
Ngoài ra, còn có một số vấn đề mang tính khách quan mà tự thân các doanh nghiệp thành phố không thể “gỡ” nỗi, đó là tốc độ lưu thông trên các tuyến quốc lộ, các trục đường nối vào các khu công nghiệp, sân bay, bến cảng quá chậm đã đẩy giá thành lên cao, đồng thời không bảo đảm chất lượng hàng hóa cho khách hàng. Khắc phục được những tồn tại này thì ngành logistics mới thực sự là đòn bẩy cho kinh tế thành phố phát triển đúng như tiềm năng và lợi thế vốn có của mình.
Bài và ảnh: Thanh Vân