Kinh tế
Đầu tư bất động sản - du lịch hút khách
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 51 dự án, vốn đầu tư đạt 731 triệu USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đà Nẵng.
Khu nghỉ dưỡng Premier Village Đà Nẵng Resort đã đi vào hoạt động. |
Kết quả 11 tháng đầu năm 2015, thành phố thu hút thêm 74 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 92,5 triệu USD; ngoài ra có 13 dự án tăng thêm vốn 63,94 triệu USD.
Như vậy, đến cuối tháng 11, trên địa bàn thành phố có 378 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 3,49 tỷ USD. Lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư FDI quan tâm là kinh doanh bất động sản - du lịch với 25 dự án với tổng vốn khoảng 1,8 tỷ USD (chiếm 51,9% tổng vốn đầu tư) trên địa bàn.
Nhìn lại các dự án đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản - du lịch, phần lớn các dự án này đã và đang đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả.
Theo lãnh đạo Công ty CP Mỹ Phát (chủ đầu tư Khu du lịch Olalani), thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đi vào hoạt động, bên cạnh những dự án đã hoạt động tốt như InterContinental, Premier Village Đà Nẵng Resort, Pullman Resort, Novotel Premier Han River, Hyatt Regency Danang, Olalani... Tuy nhiên, để có một môi trường đầu tư chuyên nghiệp cần phải cải thiện một số thể chế về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI.
Nguyên nhân dẫn đến việc các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng đang ngày một “nóng” trở lại là Đà Nẵng được tạp chí du lịch trực tuyến châu Á Smart Travel Asia bình chọn vào Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (lần thứ 2 liên tiếp); trong khi trang tư vấn và bình chọn du lịch uy tín TripAdvisor (Mỹ) bình chọn Đà Nẵng xếp thứ nhất trong Top 10 điểm đến mới nổi của thế giới.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2014, lượng khách du lịch đến tham quan Đà Nẵng ước đạt 3,8 triệu lượt. Đến nay, con số này đã hơn 4,3 triệu lượt, đạt 98,1% kế hoạch năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ 2014.
Dòng khách tăng nhanh kéo theo sự phát triển mạnh của bất động sản nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu đã quay trở lại đầu tư vào sản phẩm bất động sản du lịch nói chung và biệt thự nghỉ dưỡng nói riêng tại Đà Nẵng. Không dừng lại ở đó, cơ sở hạ tầng tại Đà Nẵng cũng thuộc nhóm thuận lợi nhất trong các thành phố du lịch biển của cả nước.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hiện khai thác 20 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng và tiếp tục được mở rộng công suất trong thời gian tới. Cũng theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến cuối năm 2015, Đà Nẵng có 74 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, có 490 cơ sở lưu trú với 18.233 số phòng; trong đó có 91 khách sạn 3-5 sao, 5 khu căn hộ biệt thự.
Đặc biệt, vừa qua lãnh đạo thành phố chỉ đạo tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển cụm du lịch ven biển, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, xem đây là sản phẩm chủ lực, khả năng cạnh tranh cao. Tiếp tục kêu gọi đầu tư khu du lịch Làng Vân để hình thành khu giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp.
Mở rộng không gian và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ khách tại quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà-Suối Mơ; xây dựng sân golf Bà Nà, khu tắm suối nước khoáng tại Hòa Phú, Hòa Vang. Điểm đáng chú ý là, không chỉ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp đang “nóng” mà phân khúc bất động sản du lịch khách sạn tầm trung cũng đang hút khách.
Ông Nguyễn Tiến, Giám đốc Trung tâm Giao dịch bất động sản Minh Tiến cho hay: Hiện nay, các nhà đầu tư ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đang tìm mua đất ở các khu ven biển Đà Nẵng để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ...
Với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, hy vọng, các dự án bất động sản-du lịch, nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng sẽ được các nhà đầu tư ASEAN quan tâm, nhất là các doanh nghiệp đến từ Singapore, Malaysia hay Brunei...
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN