.

Doanh nghiệp đổi mới công nghệ để cạnh tranh

.

Đổi mới công nghệ (ĐMCN) sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ mới để áp dụng vào đơn vị mình.
Các doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ mới để áp dụng vào đơn vị mình.

3 năm, 8 doanh nghiệp thụ hưởng

Năm 2012, UBND thành phố ban hành Quyết định 08/2012/QĐ-UBND ngày 2-3-2012 quy định một số chính sách hỗ trợ DN ĐMCN kèm theo một số ưu đãi đặc thù.

Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa” và mới đây là việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) để tài trợ, cấp kinh phí, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN cho các DN trên địa bàn.

Mặc dù là địa phương có những hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ DN ĐMCN, tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, lại có rất ít DN được thụ hưởng.

Báo cáo của Sở KH&CN cho thấy, từ năm 2012 đến nay, Sở KH&CN chỉ mới hỗ trợ cho 8 DN ĐMCN theo Quyết định 08 với 485 triệu đồng.

Lý do khiến ít DN tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ ĐMCN là do các DN hầu hết gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên không tham gia. Một phần nữa là năng lực thực hiện hồ sơ thủ tục theo các chương trình hỗ trợ DN của các DN còn hạn chế; nhiều DN chưa định hình cụ thể được nhu cầu của đơn vị mình.

Ngoài ra, vốn đầu tư của DN cho công nghệ còn ít, năng lực công nghệ của DN chưa cao và mức kinh phí thành phố hỗ trợ còn thấp nên các DN chưa mặn mà.

Theo ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ - Sở KH&CN Đà Nẵng, để thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, DN phải đáp ứng được các yêu cầu về thuế và phải có dự án ĐMCN. Tuy nhiên, hầu hết các DN chưa phân biệt rõ ràng giữa công nghệ và thiết bị công nghệ. Các DN không tách bạch được mua thiết bị và mua công nghệ dẫn đến việc chưa nhiều DN tiếp cận được chính sách này.

Phải đổi mới để cạnh tranh

Với tiêu chí ĐMCN chủ chốt vẫn là ở DN, thành phố chỉ tạo cầu nối giúp DN đứng vững thông qua việc hỗ trợ một phần kinh phí và chuyển giao công nghệ, nhiều DN cũng chủ động đổi mới để cạnh tranh, phát triển.

Là một trong những DN được hỗ trợ để xây dựng hệ thống quản lý ISO 9001:2008 và đánh giá hợp chuẩn, hợp quy, ông Thái Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện-điện tử, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, cho biết, với đặc thù là DN sản xuất thiết bị đo điện-điện tử, việc kiểm tra, kiểm soát sản phẩm từ khâu đầu vào đến đầu ra phải rất chặt chẽ.

Để làm được điều đó, dưới sự hỗ trợ về kinh phí và công nghệ của Sở KH&CN, DN đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh và xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa.

Ông Nam cũng nhìn nhận, ngoài sự hỗ trợ của thành phố, bản thân DN phải ý thức được nếu không đổi mới sẽ bị lạc hậu. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ QCM (DN được Sở KH&CN hỗ trợ thực hiện dự án nghiên cứu thiết kế chế tạo máy phân cỡ tôm điện tử), cho rằng, để tận hưởng được các chính sách của thành phố, bản thân DN phải tự đổi mới chính mình để tồn tại, nhất là trong thời đại hội nhập như hiện nay.

Có thể nói, hỗ trợ DN ĐMCN là một trong những mục tiêu then chốt để giúp DN phát triển bền vững. Song, để những chính sách hỗ trợ có hiệu quả, thời gian đến, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở KH&CN, các ban, ngành, đặc biệt là sự quyết tâm ĐMCN của các DN.

“Quyết định 08 đến nay đã dần bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, Sở KH&CN cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành một quyết định mới thay thế cho quyết định này. Hy vọng, khi quyết định mới ra đời sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực, cởi mở hơn cho DN. Ngoài ra, trong quá trình tiếp cận các chương trình đổi mới, DN nếu có khó khăn, vướng mắc có thể tìm đến sở để được tư vấn hỗ trợ”, ông Phong cho biết thêm.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.