Sau 4 năm kiên trì với 14 phiên đàm phán, ngày 2-12-2015, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (viết tắt là EVFTA) chính thức ký kết. Đây được coi là hiệp định thế hệ mới, tạo ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Việt Nam và 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), có ý nghĩa lớn với thương mại, đầu tư bởi nền kinh tế của 2 bên có tính bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp. Theo đánh giá, EVFTA là một trong những hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU.
Một trong những dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hữu Nghị. |
EVFTA lấy thương mại làm trụ cột quan trọng trong hợp tác và phát triển. Trong số 28 nước thuộc EU có tới 9 nước thuộc Liên Xô (cũ) hoặc là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa trước đây mà Việt Nam đã có quan hệ toàn diện.
Đặc biệt, các nước này và một số nước Bắc Âu đã giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam rất nhiều trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Trong số các nước thuộc EU đã có quan hệ làm ăn với Việt Nam thì Thụy Điển được coi là một biểu tượng về làm ăn hiệu quả với Việt Nam.
Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Bệnh viện Nhi Thụy Điển (Hà Nội)... là những nét đẹp về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trong những năm qua. Riêng với Ba Lan, mặc dù có những thay đổi về thể chế chính trị, nhưng Ba Lan vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống được hình thành từ hơn 60 năm trước với Việt Nam.
Sau 10 năm gia nhập EU, Ba Lan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Trung và Đông Âu. Chỉ trong 7 năm 2007-2014, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đã bứt phá và tăng gấp ba lần, từ 500 triệu USD lên gần 1,5 tỷ USD năm 2014, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Một thuận lợi khác rất cơ bản đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực là hàng hóa của Việt Nam sẽ được tự do luân chuyển trong các nước EU. Hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam là đối tác của các nước thuộc EU, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên tới trên 30 tỷ USD, trong đó Việt Nam chủ yếu là xuất siêu.
Các mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang các nước EU chủ yếu là tiêu dùng như điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép các loại, cà-phê, đồ gỗ gia dụng, hàng thủy sản. Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ EU tập trung là các sản phẩm công nghệ cao, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, ô-tô, xe máy.
Tại Đà Nẵng, một số doanh nghiệp như Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Công ty CP Dệt-may 29-3, Công ty CP Dược Danapha... đã và đang làm ăn rất hiệu quả với nhiều nước trong EU.
Thách thức không nhỏ
EVFTA có những rào cản kỹ thuật được đánh giá là chặt chẽ nhất trong các FTA mà Việt Nam ký kết. Vì đây là khu vực mà người dân có đời sống cao, thu nhập cao nên những tiêu chuẩn về hàng hóa cũng rất khắt khe, nhất là về thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Ngoài bộ luật Nhà nước của quốc gia đó thì hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua những rào cản do các hiệp hội, hội xã hội khác của nước sở tại quy định, nhưng hiệu lực pháp luật không kém luật của Nhà nước. Chẳng hạn như Hiệp hội Hòa Bình Xanh của Anh, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng của Pháp...
Nếu các hiệp hội hay các hội này không chấp nhận thì hàng hóa cũng khó được tiêu thụ. Ví dụ về hàng thủy sản, có hiệp hội quy định sản phẩm thực phẩm như cá phải có xuất xứ đánh bắt ở vùng biển nào, doanh nghiệp đánh bắt đó có giấy phép (của quốc gia của nước sản xuất) đánh bắt không, hay đánh bắt lậu.
Nếu việc đánh bắt cá đó là lậu (không có giấy phép) thì dù sản phẩm có được chế biến bảo đảm tiêu chuẩn của EU, họ cũng không mua. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các nước này ngoài việc bảo đảm kỹ thuật, chất lượng thì còn phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết: Việc EVFTA được ký kết và có hiệu lực là thuận lợi rất cơ bản để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển.
Vì nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế EU là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bán cho họ những cái họ không có, hoặc có nhu cầu cao như thủy sản, lương thực, sản phẩm may mặc... nên áp lực cạnh tranh không cao, nhưng yêu cầu về kỹ thuật rất cao.
Ngoài việc tuân thủ các quy định về pháp luật của nước sở tại, hàng hóa xuất khẩu còn phải chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của các tổ chức xã hội khác của quốc gia đó. Do vậy, các doanh nghiệp của thành phố muốn làm ăn lâu dài với đối tác nào thì phải tìm hiểu kỹ luật pháp, các quy định do các tổ chức xã hội nước đó quy định để có sự điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời, phải xác định làm ăn lâu dài, đàng hoàng, có trách nhiệm cao.
Bài và ảnh: Đức Thịnh