Là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, việc củng cố và phát triển mạng lưới chợ ở Hòa Vang được quan tâm đúng mức trong thời gian qua. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thương mại của huyện đã có những bước thay đổi đáng kể, đáp ứng nhu cầu giao thương theo hướng an toàn, văn minh cho người dân.
Chợ Túy Loan góp phần quan trọng trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của người dân vùng nông thôn. |
Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã ở huyện Hòa Vang đều lo ngại đến tiêu chí chợ nông thôn, bởi các chợ đều không bảo đảm yêu cầu đặt ra. Phần lớn chợ nông thôn được hình thành khá lâu, quy mô diện tích nhỏ, hoạt động quá tải nên nhanh xuống cấp và không bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ…
Trước yêu cầu đó, huyện Hòa Vang đã rà soát lại số lượng các chợ tạm, chợ bán kiên cố để có hướng đầu tư, bổ sung nguồn kinh phí hợp lý, kịp thời.
Theo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện, trong 5 năm qua, huyện Hòa Vang đã triển khai xây mới và mở rộng 7 chợ phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán của tiểu thương với tổng kinh phí thực hiện khoảng 21 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 chợ, trong đó có 2 chợ loại 2 và 14 chợ loại 3 với hơn 2.000 hộ kinh doanh ổn định.
So với trước đây, nhiều xã chưa có chợ kiên cố, hoạt động kinh doanh chỉ cầm chừng, có nơi họp chợ ngày một buổi hoặc cách nhật thì nay, sau khi được xây mới và nâng cấp, số hộ đăng ký lô, quầy, sạp ổn định, có vốn kinh doanh lớn chiếm hơn 85% số lượng tiểu thương tại các chợ.
Năm 2015, với kinh phí hơn 700 triệu đồng, chợ Hòa Sơn được sửa chữa với diện mạo khang trang, thu hút được người dân từ các vùng Hòa Ninh, Hòa Phú cùng tham gia mua bán hàng hóa. Ở xã Hòa Khương, sau khi chợ của xã đưa vào hoạt động, môi trường văn hóa-văn minh chợ được thực hiện tốt.
Chợ Hòa Châu được xây mới với kinh phí 6 tỷ đồng giúp người dân có điều kiện giao thương. Chợ Mới Ba Xã vốn sầm uất nhưng không bảo đảm an toàn giao thông sẽ được di dời về địa điểm mới dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng...
Ở xã Hòa Tiến, từ ngôi chợ cũ chỉ có dưới 200 hộ buôn bán xập xệ, hệ thống điện nước gần như “tê liệt”, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh thực phẩm không bảo đảm… nay được xây mới khang trang với quy mô hơn 400 hộ kinh doanh.
Đến nay, huyện Hòa Vang đã hình thành 3 điểm thương mại đáng chú ý: Khu vực chợ Túy Loan - xã Hòa Phong, khu vực chợ Lệ Trạch - xã Hòa Tiến và khu vực chợ Miếu Bông - xã Hòa Phước. Những điểm này có mật độ lưu thông hàng hóa cao, các loại nông sản, thực phẩm của địa phương được tiêu thụ nhiều trong những năm gần đây.
Các chợ đều có điểm kinh doanh ổn định, bảo đảm nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Vệ sinh môi trường được cải thiện, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước trong kinh doanh, văn hóa ứng xử của tiểu thương được nâng cao, tạo nét hiện đại trong chợ truyền thống. 10/11 xã của huyện đạt tiêu chí chợ theo chuẩn nông thôn mới. Riêng xã Hòa Bắc, chợ sẽ được xây dựng vào đầu năm 2016.
Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, mời gọi đầu tư các loại hình dịch vụ chất lượng cao trong thương mại; khuyến khích hình thành các siêu thị tại Khu công nghệ cao, khu phố chợ Túy Loan, Lệ Trạch, Miếu Bông.
Ngoài ra, mạng lưới chợ nông thôn sẽ tiếp tục được đầu tư, bảo đảm phù hợp và khai thác có hiệu quả, giảm thiểu chợ tự phát. Các chợ đầu mối, phát luồng sản phẩm gia súc, gia cầm, nông sản thành phố sẽ sớm đi vào hoạt động tại Hòa Phước. Đối với chợ các xã đã đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới tiếp tục đầu tư, nâng cấp phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Bài và ảnh: Duyên Anh