Những ngày qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục gửi thông tin đến người dân khuyến cáo cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ sử dụng hóa chất cấm trong chế biến thực phẩm rau, quả, cá, thịt… Đây là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, trước nỗi lo mất kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
Người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào công tác kiểm soát đầu vào của cơ quan chức năng. |
Ăn gì cũng lo
Tại Đà Nẵng, dư luận tại các chợ không ngớt xôn xao hằng ngày với những thông tin như nhiều cơ sở thu mua thịt heo thiu, thối đã phân hủy sau đó tẩy trắng bằng hóa chất ôxy già, nước javen để làm bóng bì; kiểm tra 20 mẫu rau muống ở TP. Hồ Chí Minh đều có tồn dư kim loại độc bởi các hộ trồng rau dùng dầu nhớt thải để phun trực tiếp diệt rệp và phát triển nhanh.
Hay ở Bình Dương đã xử lý tiêu hủy hơn 200kg chuối quả do người dân dùng thuốc diệt chuột để làm chuối chín có màu vàng đều. Để làm thịt gà, vịt có màu da vàng ruộm, người chăn nuôi đã dùng hóa chất vàng ô chuyên sử dụng nhuộm vải công nghiệp cho gia cầm ăn…
Những thông tin trên không phải là tin đồn mà các ngành chức năng trong nước đưa ra có cơ sở. Mặc dù lo sợ và dè dặt trong sử dụng hàng hóa thực phẩm, nhưng đa số người dân chỉ còn biết nhắm mắt “ăn liều” vì không biết ăn gì cho an toàn.
Chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhanh với hàng chục khách hàng đi chợ về khả năng nhận biết thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn. Cứ 10 người thì có tới 9 người đồng ý với trả lời “bằng cảm quan mắt thường rất khó để biết sản phẩm đang dùng có đảm bảo hay không, nếu không có các thiết bị test thử, nhận dạng”.
Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản thành phố Đà Nẵng: Thực tế, các loại thực phẩm tươi sống bán trên thị trường hiện nay cả người mua và người bán đều thiếu thông tin vì rau, quả về các chợ không có hồ sơ xuất xứ.
Lâu nay, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng cũng có lấy mẫu kiểm thử nhưng rất ít, lực lượng quản lý mỏng không phải khi nào cũng “ôm” hết công việc. Hơn nữa, muốn đưa mẫu đi kiểm nghiệm chi phí rất tốn kém, nếu bản thân doanh nghiệp hay tiểu thương bỏ ra vài triệu đồng để làm thì thà họ nghỉ bán còn hơn.
Cái khó nữa là bây giờ Đà Nẵng mới thực hiện cam kết ở một số chợ thí điểm, tiểu thương đã thực hiện cam kết bằng giấy tờ là bán hàng chất lượng, nhưng họ có thực hiện hay không thì chưa thể khẳng định.
Đại diện một HTX rau sạch trên địa bàn thành phố chua chát tâm sự rằng, dù sản phẩm của bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đi chăng nữa mà không có đầu ra, cuối cùng cũng phải bán đổ bán tháo ngoài chợ với giá rẻ còn hơn cả rau lộn xộn.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Trước bức xúc của người dân, yêu cầu thực hiện mục tiêu quốc gia “Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2015”, thành phố Đà Nẵng xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 2000:2005. Mô hình “chuỗi thực phẩm an toàn” đang được các bộ, ngành triển khai tích cực, qua đó một số địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả.
Với những kinh nghiệm đã làm được, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thị trường thì mênh mông, làm sao có thể bao quát hết các ngành hàng. Do đó chúng tôi chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả…Chúng tôi luôn ý thức được sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn hiện nay còn khá hạn chế, nên khi làm việc với các nhà cung cấp yêu cầu họ phải chỉ rõ nguồn hàng, sau đó mới định vị chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ở các chợ truyền thống việc quản lý chất lượng sản phẩm rất khó khăn, bởi đây là mảng phân phối phức tạp hơn rất nhiều so với hệ thống phân phối hiện đại”.
Đối với thị trường Đà Nẵng, ông Đoàn Ngọc Minh, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho biết: Nguồn thực phẩm cung cấp cho Đà Nẵng rất lớn, trong khi nguồn cung tại địa phương chỉ đáp ứng một phần nhỏ.
Mối lo ngại hiện nay là dù kiểm soát chặt chẽ nhưng nguồn hàng kém chất lượng, hàng lậu từ các nơi đổ về cửa ngõ thành phố vẫn diễn ra. Hàng hóa về các chợ của thành phố thì nhiều, nhưng các thiết bị phục vụ cho kiểm thử lại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đến nay, toàn thành phố chỉ có chợ Hàn đạt chuẩn mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, sắp tới sẽ được nhân rộng ở một số chợ Cồn, Đống Đa, Đầu mối Hòa Cường... Theo đó, các giải pháp ngành công thương đề xuất trong thời gian tới là quy hoạch vùng trồng rau, chăn nuôi đảm bảo đầu ra và phải tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để nâng cấp, cải tạo vùng quy hoạch; hệ thống kho bãi, kho lạnh, điểm dự trữ, bảo quản hàng hóa cũng cần được đầu tư thêm; các ngành y tế, nông nghiệp, công thương phải có sự phối hợp đồng bộ để tăng kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên…
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, người dân khó có thể làm người tiêu dùng thông thái, chỉ trông chờ vào các biện pháp hữu hiệu từ cơ quan chức năng. Song câu hỏi được đặt ra, đến bao giờ người dân mới có thể tìm thấy thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn?
Bài và ảnh: Duyên Anh