Nhiều năm nay, gần chục hộ dân ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) ăn nên làm ra từ nghề ươm tạo cây cảnh. Nghề phụ nhưng thu nhập chính này đã và đang làm nên một làng nghề khá độc đáo.
Ông Nguyễn Văn Tào bên những cây vối ươm tạo cẩn thận. |
Một trong những người tiên phong mở ra nghề ươm tạo cây cảnh ở Đại La là ông Nguyễn Văn Tào, nhà ở mé đồi, cách đường Hoàng Văn Thái nối dài chừng 50 mét về phía bắc.
Cách đây chục năm, trong đợt về phố, khi ghé thăm khu vực kinh doanh cây cảnh, ông nhận ra những loại cây bày bán tại đó có khá nhiều trên đồi núi Hòa Vang. Lúc đó, ông nghĩ sẽ ngược núi đào cây về ươm tạo để bán.
Nghĩ là làm, ít hôm sau, ông cùng một số người vác cuốc, thuổng ngược núi. Khi trở về, mọi người lỉnh kỉnh đủ thứ cây, nào là chạc chìu, lộc vừng, sung, sanh, ổi... Nghề ươm tạo cây cảnh ở Đại La bắt đầu từ đó.
Cây đưa về, các lão nông ở Đại La trồng, chăm bón, cắt tỉa rất chu đáo. Những cây có giá trị đưa vào chậu, tạo dáng khá kỳ công.
Khi đã bén rễ, đâm chồi, nẩy lộc, họ chở xuống phố bán. Vợ các lão nông này là những người đảm nhiệm khâu tiêu thụ. Sáng ra, họ buộc các loại cây sau xe đạp, xe máy chở xuống phố, rồi cứ thế len lỏi khắp các ngõ hẻm để bán.
Không ngờ, cây cảnh bán kiểu này rất chạy, chở đi bao nhiêu hết bấy nhiêu. Không ít thời điểm cây ươm tạo không kịp để bán, họ phải mua ở nơi khác về.
Sau khoảng chục năm gắn bó với nghề ươm tạo, kinh doanh cây cảnh, lão nông Nguyễn Văn Tào đúc kết: Dân gian nói không sai: “Trong cái khó ló cái khôn”. Đang lúc bế tắc hướng làm ăn, tiếp cận được hoạt động kinh tế này như là nghề phụ nhưng cho thu nhập chính, thu nhập từ cây cảnh gấp 4-5 lần so trồng lúa, khoai và chăn nuôi. Tính ra, mỗi gia đình 2 vợ chồng, người lo cây, người chở đi bán, đều đều kiếm 350.000 - 400.000 đồng/ngày.
Đến thăm các hộ ươm tạo cây cảnh ở Đại La mới hay bà con rất nhạy bén với nhu cầu thị trường. Nhận thấy các cây lộc vừng, sanh, sung... không còn được giá, họ chuyển sang trồng loại cây có tính dược liệu, thị trường ưa chuộng như cây vối, chè dum...
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực ươm tạo cây của gia đình, ông Tào cho biết: Vối đang là loại cây nhiều người tìm mua. Đơn giản chỉ vì lá, hoa của cây này là dược liệu. Nước nấu từ lá, hoa vối chữa được nhiều bệnh, nhất là tiểu đường.
Đây cũng là loại cây dễ trồng, nhanh phát triển, ít bị sâu bệnh. Để chủ động nguồn hàng về lâu dài, một số hộ đã ươm tạo thành công cây vối con. “Khu vườn này có khoảng 1.000 cây các loại, trong đó gần 500 cây vối. Tính sơ sơ, số cây đang có cũng ngót ngét trăm triệu đồng”, ông Tào cho biết.
Là thành viên tích cực của nhóm hộ ươm tạo cây cảnh ở Đại La, ông Phạm Nguyễn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân rất tâm huyết với việc thành lập tổ hợp tác. “Ở Đại La có hơn 350 hộ nhưng chỉ hơn 10ha đất canh tác, không chủ động nước tưới, đời sống rất khó khăn.
Có thời điểm số hộ nghèo hơn 50%. Từ ngày mở ra nghề ươm tạo cây cảnh, nhiều hộ có việc làm ổn định cho thu nhập cao. Ngoài gia đình tôi và ông Tào, hộ các ông Trần Hương, Phạm Mười, Trần văn Hiệu... cũng ăn nên làm ra từ cây cảnh. Sắp tới sẽ thành lập Tổ hợp tác ươm tạo cây cảnh Đại La”, ông Nguyễn cho biết.
Sản phẩm của bà con Đại La đã và đang góp phần đem lại không gian xanh cho đô thị. Bà con đang ươm tạo rất nhiều chậu sim phục vụ thị trường Tết. Những bụi sim to trồng trong chậu khá đẹp, chăm sóc chu đáo đang đâm chồi nẩy lộc. Và đây sẽ là loại cây cảnh độc đáo, khi cây nào cây nấy vô vàn quả no tròn về phố.
Nói về hoạt động kinh tế mới mẻ này của bà con địa phương, ông Trần Kim Đính, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho rằng, đây là tín hiệu rất lạc quan trong phát triển kinh tế hộ. Không bó tay trước khó khăn, người dân Đại La đã tìm ra hướng làm ăn khả thi cho mình. Nếu được quan tâm đầu tư, chắc chắn, chẳng bao lâu nữa, Đại La sẽ là làng ươm tạo cây cảnh phát triển.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu