Bên cạnh thực tế nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, cùng lúc có không ít doanh nghiệp loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Và các doanh nghiệp trong ngành sữa Việt Nam cũng không tránh khỏi tình trạng này.
Ông Nguyễn Long Duy, chuyên gia công nghệ tập đoàn Tetra Pak VN giới thiệu công nghệ UHT cho sinh viên |
Cái cần thì không có, cái có thì không cần
Nghịch lý này xảy ra trong bối cảnh ngành sữa Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng đáng kể.
Theo đánh giá của Euromonitor International, năm 2014 doanh thu của ngành đạt 75.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và năm 2015 ước đạt 92.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Cũng theo mục tiêu đề ra của Hiệp hội sữa Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 là năm 2015, cả nước sẽ sản xuất được hơn 1.9 tỷ lít quy ra sữa tươi, đồng thời sản lượng này dự kiến tăng lên 2.6 tỷ lít vào năm 2020.
Những doanh nghiệp trong ngành sữa Việt Nam đã đầu tư mạnh vào công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong xu thế hiện nay và công nghệ tiệt trùng UHT là một công nghệ điển hình.
Nhưng cùng lúc, các doanh nghiệp sữa Việt Nam phải đối mặt với vấn đề chất lượng lao động. Bởi đa phần các nhân lực kỹ thuật mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Họ đã gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm các kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm có chất lượng cao cho nhiều vị trí cần thiết trong nhà máy. Thực tế tuyển dụng tại các doanh nghiệp này cũng ghi nhận hầu hết sinh viên mới ra trường chưa được tiếp cận với những kiến thức mới về công nghệ tiệt trùng UHT.
Kiến thức của nhiều sinh viên bị giới hạn trong những môn đã được đào tạo cùng với việc chưa có tư duy mở rộng, liên kết. Và chính bản thân họ cũng chưa vượt qua được khối lượng công việc ban đầu được giao.
Nâng chất cho nhân lực kỹ thuật cao
Để làm giảm thiểu khó khăn này, Tetra Pak Việt Nam, nhà cung cấp giải pháp về công nghệ trong chế biến và đóng gói thực phẩm dạng lỏng hàng đầu thế giới đã có các dự án mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành sữa đang khát nguồn nhân lực kỹ thuật cao cũng như các sinh viên đang cần việc làm.
Chính vì vậy Tetra Pak đã mở ra dự án phổ biến công nghệ tiệt trùng UHT. Chương trình này gồm các hoạt động thiết thực như tổ chức tặng sách kỹ thuật và hội thảo về công nghệ tiệt trùng UHT cho khoảng 10.000 sinh viên ngành công nghệ thực phẩm tại 17 trường đại học trên cả nước.
Mở đầu là chương trình với sự tham gia của hơn 500 sinh viên ngành công nghệ thực phẩm tại Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 28-11-2015.
Tại đây, Tetra Pak sẽ trao tặng sách ‘‘Cẩm nang Chất lượng về Xử lý nhiệt và Đóng gói vô trùng, Sản phẩm có hạn dùng dài” dày 230 trang xuất bản vào Quý III/2015 dưới sự phối hợp của Tetra Pak và Nhà xuất bản KHKT.
Đây là tài liệu được hầu hết các nhà sản xuất sữa, sản xuất đậu nành, nước ép trái cây tại Việt Nam và trên thế giới đang sử dụng. Bên cạnh đó, chuyên gia từ Tetra Pak cũng trao đổi với sinh viên chuyên ngành thực phẩm về những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích xoay quanh công nghệ UHT.
Đại diện tập đoàn Tetra Pak VN trao sách cho khoa CNTP trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng |
Ông Robert Graves, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam chia sẻ: “Nguồn lực lao động mới ra trường ở Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp sữa khi tuyển dụng bởi các em còn thiếu nhiều kiến thức, trong đó có kiến thức căn bản về công nghệ tiệt trùng UHT trong sản xuất sữa. Vì vậy, để khắc phục điều này, doanh nghiệp và nhà trường phải bắt tay tương hỗ lẫn nhau.
Hoạt động chia sẻ về quy trình, công nghệ chế biến, đóng gói thực phẩm dạng lỏng tiên tiến, đang được sử dụng rộng rãi của tập đoàn Tetra Pak sẽ giúp các bạn sinh viên có được hành trang kiến thức tốt nhất để sẵn sàng làm việc khi ra trường.
Chúng tôi hi vọng rằng hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đích cuối là mang đến cho người dân Việt Nam các sản phẩm thực phẩm an toàn”.
Công nghệ tiệt trùng UHT là một phát minh quan trọng trong ngành chế biến công nghệ thực phẩm ở thế kỷ XX. Nguyên tắc căn bản của công nghệ UHT là các loại thực phẩm dạng lỏng được tiệt trùng, diệt khuẩn bằng phương pháp xử lý nhiệt ở 135-140 độ C trong thời gian cực ngắn, sau đó làm nguội nhanh xuống 25 độ C. Chính quy trình xử lý nhiệt siêu cao và làm lạnh cực nhanh này đã giúp tiêu diệt hết vi khuẩn có hại, các loại nấm men, nấm mốc. Đồng thời giữ lại tối đa các chất dinh dưỡng và mùi vị tự nhiên của sản phẩm. Sản phẩm có thể tươi ngon trong 6 tháng hoặc lâu hơn mà không cần trữ lạnh hay dùng chất bảo quản. |
Thảo My