Theo báo cáo của Sở Công thương, ngành công nghiệp đã về đích với các chỉ tiêu chủ yếu: Đạt 41.500 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng 11,3% so với năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, một số ngành có sản lượng sản xuất tăng mạnh như may trang phục tăng 15%, sản phẩm điện tử tăng 35,2%, cấu kiện kim loại tăng 38,1%, phụ tùng xe và động cơ xe tăng 26,3%, bê-tông tăng 26,5%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2014, vượt chỉ tiêu do Nghị quyết HĐND thành phố đề ra là 3%. Một số doanh nghiệp (DN) tăng khá cao từ 15% đến 25% như Công ty Mabuchi Motor, Điện tử Việt Hoa... Các ngành hàng chủ yếu đều tăng mạnh như động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 380 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2014, hàng dệt may ước đạt 310 triệu USD, tăng 14,8%, thủy sản ước đạt 185 triệu USD, tăng 5,73%...
Các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trong những năm qua. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Fujikura. |
Có được những kết quả trên, trong năm 2015, các DN được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của thành phố. Theo đó, cộng đồng DN đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố.
Sở Công thương cũng đã chủ động làm việc với các DN để nắm bắt tình hình khó khăn của 51 lượt kiến nghị của các DN báo cáo UBND thành phố xử lý và đã được thành phố giải quyết, trả lời 44 kiến nghị, góp phần giúp DN tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, Sở tham mưu UBND thành phố tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu giữa DN của thành phố với các DN của nhiều tỉnh, thành trong nước, thu hút hàng trăm DN tham gia với hàng chục hợp đồng kinh tế đã được ký kết, góp phần giải quyết việc làm và mở rộng thị trường cho các DN của thành phố.
Công tác khuyến công chú trọng tập trung vào việc hỗ trợ 12 DN, cơ sở công nghiệp nông thôn, HTX, làng nghề truyền thống ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, hỗ trợ tư vấn trong lĩnh vực marketing, xây dựng và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, tham dự hội chợ - triển lãm với tổng kinh phí 480 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương và 925 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia. Nhờ vậy, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống cũng như các mặt hàng lưu niệm du lịch ngày càng phong phú, chất lượng hơn.
Năm 2016, sau khi các hiệp định kinh tế giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực, các DN bị chi phối bởi cơ chế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt. Để không bị thua thiệt, trong năm 2015, Sở Công thương đã tổ chức hàng chục hội thảo, tập huấn phổ biến các nội dung, thông tin thiết thực cho cộng đồng DN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước hiểu rõ hơn những quy định của các hiệp định.
Trong đó có nhiều hội thảo, tập huấn rất thiết thực như “Những điều cần biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN”, “Cộng đồng kinh tế ASEAN và việc xây dựng chiến lược phù hợp trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực”, “Cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho DN thời trang, dệt-may, da giày”, “Rào cản phi thuế quan – Những vấn đề thương mại mới trong các hiệp định thương mại tự do”...
Tuy nhiên, những cuộc hội thảo, tập huấn này chỉ là những nét chấm phá, nhằm giúp các DN định hướng hội nhập và phát triển. Vấn đề còn lại là các DN phải coi trọng và có kế hoạch học tập, tìm hiểu kỷ luật và các rào cản của các hiệp định để hội nhập một cách vững chắc.
Bài và ảnh: Đức Thịnh