.

Năm 2015, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế

.

Ngày 30-12, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác du lịch và quản lý lễ hội năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 tại ba điểm cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh chủ trì đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên chủ trì đầu cầu Đà Nẵng.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, mặc dù 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm liên tục với mức giảm thấp nhất trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ lượng khách nội địa tăng mạnh mẽ nên ngành du lịch vẫn bảo đảm kết quả tăng trưởng liên tục về tổng thu từ khách du lịch.

Năm 2015, Du lịch Việt Nam đón 7.943.600 lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. Hoạt động du lịch tại các địa phương khởi sắc, trong đó, Đà Nẵng đạt được những con số ấn tượng, với tổng lượt khách đến đạt 4,6 triệu lượng khách trong nước và quốc tế, tăng 20,5% so với năm ngoái. Lần đầu tiên Đà Nẵng vượt ngưỡng 1,2 triệu lượt khách quốc tế.

Năm 2016, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đạt 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch tập trung triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; hoàn thành thủ tục công nhận bộ tiêu chuẩn 6 nghề là tiêu chuẩn nghề quốc gia: lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ; xúc tiến quảng bá vào thị trường truyền thống và tiềm năng…

Hiện cả nước có hơn 7.000 lễ hội dân gian, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh và văn hóa của người dân. Tuy nhiên, tại nhiều lễ hội vẫn diễn ra những hoạt động gây phản cảm, làm mất giá trị tốt đẹp vốn có của lễ hội.

Năm 2015, Bộ VH-TT&DL hướng dẫn, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội; chỉ đạo quyết liệt để khắc phục những hạn chế ở một số lễ hội. Nhờ đó, lễ hội diễn ra tại các địa phương hấp dẫn, phong phú, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; gắn kết các hoạt động văn hóa tại lễ hội với quảng bá du lịch…

Dựa trên kết quả các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý lễ hội, Bộ VH-TT&DL đánh giá, xếp loại 8/63 tỉnh, thành phố đạt loại A; 25/63 tỉnh, thành phố đạt loại B; 1/63 tỉnh, thành phố đạt loại C và 29/63 tỉnh, thành phố không được xếp loại. Thành phố Đà Nẵng xếp loại B.

Trong năm 2016, Bộ VH-TT&DL lưu ý các địa phương lên kế hoạch quản lý lễ hội mới xuất hiện như lễ hội làng nghề. Khi tổ chức lễ hội, cần nghiên cứu kỹ, có giải pháp điều chỉnh những hiện tượng có tính phản cảm như: cướp lộc, cướp phết, đập đầu trâu, chém lợn; lợi dụng lễ hội để truyền bá mê tín dị đoan; đốt vàng mã tại các di tích…

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.