Những năm gần đây, sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã làm thay đổi tỷ trọng, cơ cấu của ngành công nghiệp thành phố. Ngành công nghiệp CNTT ra đời trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 3-10-2000 về “Một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm”, Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 13-3-2003 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin” của Thành ủy Đà Nẵng.
Công ty Foster Đà Nẵng - một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút nhiều lao động nhất trên địa bàn (trên 10 ngàn lao động). |
Sức vươn của ngành công nghiệp mới
12 năm qua, với sự nỗ lực của Sở Thông tin-Truyền thông (TTTT) từ sự khởi đầu là Trung tâm Công nghệ phần mềm (Softech Đà nẵng), đến nay ngành công nghiệp CNTT đã có vị trí xứng đáng trong cơ cấu công nghiệp thành phố.
Nếu như năm 2003, cả thành phố chỉ có vài cơ sở với doanh thu 200 tỷ đồng/năm (chủ yếu là phần cứng) và xuất khẩu với giá trị kim ngạch khiêm tốn chỉ vài chục ngàn USD, đến nay, ngành công nghiệp CNTT thành phố đã có trên 400 DN, doanh thu và giá trị kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm.
Nếu năm 2010, doanh thu ngành công nghiệp CNTT đạt 1.798 tỷ đồng, năm 2014 là 9.661 tỷ đồng và giá trị kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 33 triệu USD thì đến hết tháng 9 năm 2015, chỉ riêng xuất khẩu phần mềm đã đạt doanh số gần 37 triệu USD (dự kiến cả năm gần 50 triệu USD), chưa kể doanh số xuất khẩu phần cứng của các DN FDI.
Sự thành công của ngành công nghiệp CNTT có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số DN FDI hoạt động điển hình trong lĩnh vực sản xuất phần cứng như: Công ty TNHH Điện tử Foster, Công ty TNHH Mabuchi Motor, Công ty TNHH Việt Hoa…
Với những thành quả đạt được trong 12 năm qua, ngành công nghiệp CNTT đã khẳng định được vị thế, làm thay đổi cơ cấu trong ngành công nghiệp thành phố cả về doanh số, giá trị kim ngạch xuất khẩu và thu hút lao động.
Ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm
Tuy nhiên, lĩnh vực phần mềm của ngành công nghiệp CNTT mới là tiềm năng lớn của thành phố. Trong những năm qua, lĩnh vực này với sự dẫn dắt của Trung tâm Công nghệ phần mềm Softech Đà Nẵng đã có sự chuyển biến mạnh từ gia công, làm thuê đến việc có được sản phẩm cạnh tranh, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao.
Một số sản phẩm của ngành công nghiệp phần mềm của các DN đang được thị trường trong và ngoài nước quan tâm như: Các phần mềm phục vụ ứng dụng CNTT cho các cơ quan Nhà nước, phần mềm Out Sourcing, sản phẩm Kiểm thử phần mềm (testing), gia công dữ liệu số (BPO), phần mềm sản phẩm trò chơi, trò chơi trực tuyến trên thiết bị di động... Đặc biệt, thương hiệu “Danang software” đã có chỗ đứng trên thị trường, với giá trị kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất phần mềm của ngành công nghiệp CNTT của thành phố đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ giai đoạn hình thành - phát triển - có sản phẩm cạnh tranh. Trong đó, có nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao: Thiết kế vi mạch trên digital và analog như Esilicon, CyberSoft, 3T, Centic, Organic… Đây là những lĩnh vực chỉ có ở các quốc gia có công nghệ phát triển. Điều này góp phần khẳng định việc đầu tư sản xuất phần mềm của ngành công nghiệp CNTT là một hướng đi đúng, vì Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn về nguồn nhân lực.
Ông Phạm Kim Sơm, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông cho rằng: Thành quả ngành công nghiệp CNTT đã đạt được chỉ là khởi đầu. Để Đà Nẵng trở thành một trung tâm CNTT của cả nước, thành phố phải triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI. Trong đó, cần tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, CNTT nhằm phát triển các khu CNTT tập trung, sản phẩm CNTT, dịch vụ CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT trong những năm tới.
Bài và ảnh: Đức Thịnh