Theo báo cáo của UBND thành phố về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn từ 2011 đến 15-10-2015, thành phố thu hút được 202 dự án FDI với tổng số vốn cấp mới đạt hơn 646,6 triệu USD và 85 dự án tăng vốn hơn 706 triệu USD.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 68,4% tổng số vốn, tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 27,08%.
Các dự án đầu tư, cấp mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics… theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 11,83% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế thành phố, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI chiếm từ 20-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu chiếm hơn 50% so với giá trị xuất khẩu toàn thành phố.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI.
Theo đánh giá chung, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt trên 1,3 tỷ USD, trong khi giai đoạn 2006-2010, con số này đạt trên 2,4 tỷ USD.
Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm giảm từ năm 2011 đến nay chủ yếu do sự vắng bóng của các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản. Việc thu hút FDI tại Đà Nẵng còn quá thấp so với nhiều địa phương trong nước. Các doanh nghiệp FDI đều có quy mô vừa, nhỏ, sử dụng lao động, hàm lượng khoa học công nghệ còn thấp.
Nguyên nhân thực trạng trên xuất phát từ yếu tố địa lý, quy mô thị trường của Đà Nẵng và các khu vực lân cận còn thấp; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; thiếu lao động kỹ thuật và các nhà quản lý giỏi.
Ngoài ra, chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố chưa thực sự hấp dẫn; khu Công nghệ cao chưa hoàn thiện để doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, trong khi quỹ đất tại 6 khu công nghiệp còn lại bố trí rải rác, không tập trung; các hoạt động xúc tiến đầu tư còn dàn trải, thiếu sự phối hợp. Một số nhà đầu tư vẫn chưa hài lòng với cách giải quyết thủ tục hành chính, dù được đánh giá là đã đạt được một số thành tựu nhất định.
PHAN CHUNG