TPP sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) gia công công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, TPP cũng tạo ra nhiều thách thức buộc các DN phải cải thiện để đem lại nhiều triển vọng hơn cho ngành gia công CNTT ở địa phương.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng. |
Lợi thế cạnh tranh
Các chuyên gia CNTT cho rằng, khi TPP được thực thi, doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều cơ hội thông qua các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, Internet, các hoạt động thương mại điện tử...
Nếu như trước đây, các DN CNTT chỉ chú trọng đến lĩnh vực gia công phần mềm (ITO) thì với những cơ hội lớn do TPP mang lại, DN địa phương sẽ chuyển hướng đầu tư thêm lĩnh vực gia công dịch vụ CNTT (BPO).
“TPP sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho các DN địa phương phát triển lĩnh vực gia công CNTT để đáp ứng yêu cầu trong nhiều ngành của đời sống kinh tế - xã hội. Các DN sẽ có cơ hội mở rộng thị trường gia công xuất khẩu mới từ các nước châu Âu, thay vì các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản…
Với thị trường 800 triệu dân của 12 nước tham gia TPP, ngành gia công CNTT Đà Nẵng sẽ có cơ hội thu hút nhiều hợp đồng xuất khẩu từ các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Softwave Đà Nẵng chia sẻ: “Không có Ấn Độ và Trung Quốc - 2 cường quốc về gia công ngành CNTT, tham gia TPP nên cơ hội rất lớn cho ngành gia công CNTT Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Đây là một lợi thế rất đặc biệt của TPP đối với ngành gia công phần mềm ở Đà Nẵng, giúp chúng ta vượt lên các đối thủ lớn”.
Hiện nay, ngành gia công CNTT Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng được các chuyên gia đánh giá cao, nằm trong số các thị trường gia công CNTT hàng đầu ở khu vực gồm có Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ...
Các chuyên gia CNTT cho rằng, dù một số quốc gia có sự tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, thế nhưng ngành gia công phần mềm ở Đà Nẵng vẫn đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh trong khu vực.
“Không phải đến bây giờ khi TPP đạt được thỏa thuận mà ngay từ 10 năm trước, thị trường phần mềm ở Đà Nẵng đã có cạnh tranh hết sức khốc liệt. Làm việc trong môi trường thế giới phẳng, các DN địa phương cũng chạy theo cái đà đó, tức là họ đã sẵn sàng cho gia nhập TPP và các tổ chức kinh tế khác”, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (IID) cho biết.
Tôn trọng sở hữu trí tuệ
Dù đã sẵn sàng cho TPP, thế nhưng nhiều chuyên gia CNTT cho rằng, các DN xuất khẩu phần mềm Đà Nẵng muốn vào sâu hơn TPP thì cần phải tạo ra sản phẩm CNTT thực sự khác biệt cho những thị trường tiềm năng hơn.
“Đa số các DN ở Đà Nẵng là nhỏ và siêu nhỏ, để cạnh tranh với các nước khi tham gia TPP thì cần xác định sản phẩm CNTT mũi nhọn là gì, hướng đến thị trường nào. Các DN phần mềm Đà Nẵng cần phải bắt kịp những tiêu chuẩn quốc tế khi làm ra sản phẩm CNTT để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực”, ông Thanh nói.
Bên cạnh những thuận lợi, khi bắt đầu hội nhập quốc tế, các DN CNTT Đà Nẵng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như tuân thủ sở hữu trí tuệ, khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, rào cản ngôn ngữ, hệ thống đào tạo, cơ sở hạ tầng, an ninh mạng…
Trong đó, việc tôn trọng về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng là một thách thức không nhỏ cho thành phố và DN. “Chúng ta cần chú trọng hơn nữa đến việc đảm bảo an ninh CNTT và bản quyền vì đây là 2 vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý địa phương.
Nếu khắc phục được những điểm yếu trên, Đà Nẵng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, khiến họ yên tâm hơn khi quyết định chuyển giao các dữ liệu, thông tin quan trọng, có khả năng thay thế thị trường xuất khẩu phần mềm của Trung Quốc trong tương lai”, TS Bình phân tích.
Ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp GS, TS Lê Thế Giới, Trường Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng: Thiếu thông tin thì không nhận thức được đầy đủ về TPP Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động… Thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men… Do đó, nhiều vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít đối với DN. Vừa qua, Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức một số hội thảo liên quan, nhưng nhiều DN thừa nhận chưa nắm được rõ các thông tin về TPP. Nếu thiếu thông tin thì sẽ không nhận thức được đầy đủ để thích ứng với “cuộc chơi”. Nếu DN không tìm hiểu về các tiêu chuẩn, đòi hỏi khắt khe giữa các quốc gia, thì sản phẩm làm ra sẽ bị cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Điều này khiến DN khó có thể trụ nổi trên “sân nhà” chứ chưa nói đến việc đem hàng hóa ra nước ngoài. Một vấn đề nữa, khi các nhà đầu tư nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam, họ sẽ phải tìm kiếm các nhà quản trị giỏi nhưng tại địa phương thì rất khó đáp ứng, vì vậy chúng ta nhanh chóng đào tạo được nguồn nhân lực tại chỗ với số lượng và chất lượng cao dành cho cả quản trị lẫn lao động phổ thông. Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng: Chính doanh nghiệp phải tìm lối đi Tôi cho rằng TPP sẽ quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của các DN. Đối với DN Đà Nẵng có tới 98% là DN nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy khả năng hội nhập với thế giới là rất khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta nhụt chí, điều quan trọng là phải biết khai thác các cơ hội của TPP đối với nền kinh tế nước ta. Đó là tập trung vào khâu cung ứng các dịch vụ phục vụ cho thu hút đầu tư nước ngoài như bất động sản, nhà ở cao cấp, vận tải đa phương thức, nguồn lao động, công nghiệp phụ trợ… Điều cốt lõi DN phải thấy được mình yếu ở chỗ nào để khắc phục mới có thể hội nhập nhanh chóng. Vấn đề chính DN phải tìm lối đi, còn phía Nhà nước chỉ tạo ra môi trường thông thoáng, giúp DN tự tin phát triển. Nhà nước không thể làm thay cho DN mà chỉ có thể cung cấp dịch vụ công, cải cách hành chính, xây dựng những chính sách có lợi cho DN… Duyên Anh ghi |
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN