Với các doanh nghiệp (DN) sản suất, lắp ráp ô-tô, việc ứng dụng robot là nhu cầu cần thiết. Đây được coi là một trong những giải pháp tự động hóa dây chuyền sản xuất giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.
Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu các thiết bị hiện đại tự động hóa dây chuyền sản xuất. |
Công nghệ hàn là một dạng công nghệ cơ bản trong chế tạo, gia công cơ khí. Hiện nay, những hãng sản xuất ô-tô nổi tiếng trên thế giới như: Ford, GM, Mercedes, Toyota, Hyundai, Honda, Nissan… đều ứng dụng dây chuyền sản xuất và lắp ráp tự động, trong đó khâu hàn chiếm 40%.
Tại Việt Nam, các dây chuyền sản xuất ở các nhà máy sản xuất ô-tô phần lớn các chi tiết được làm thủ công, sau đó, vận chuyển thủ công vào từng vị trí rồi lại tiếp tục thao tác thủ công. Do vậy, quy trình sản xuất tiêu tốn nhiều nhân lực mà năng suất, chất lượng không tăng.
PGS, TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cùng các cộng sự nghiên cứu đề tài “Ứng dụng robot cho các dây chuyền hàn trong nhà máy sản xuất ô-tô”. Hiện nay, đề tài được ứng dụng tại Công ty CP Ô-tô Trường Hải, bước đầu đem lại hiệu quả.
TS Nguyễn Hoàng Mai, giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Thư ký đề tài, nhìn nhận, dây chuyền sản xuất ô-tô thủ công như các nhà máy ở nước ta vẫn làm lâu nay chỉ phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên khó sản xuất được hàng loạt chi tiết tinh xảo.
Hơn nữa, khi nhu cầu sản xuất mở rộng, lao động thủ công không thể đáp ứng kịp. Vì vậy, việc đưa robot vào khâu tự động hóa sản xuất là cần thiết, nhất là dây chuyền sản xuất ô-tô nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng độ chính xác của sản phẩm, góp phần giảm tác động xấu đến con người khi làm việc trong môi trường hàn độc hại như hiện nay.
Có thể nói, việc nghiên cứu đưa robot hàn tự động vào ngành công nghiệp sản xuất ô-tô và công nghiệp nói chung ở Việt Nam phù hợp và cần thiết hiện nay.
Với trình độ tự động hóa trên thế giới hiện nay, các quốc gia có nền công nghiệp ô-tô lâu đời đã quá quen thuộc với robot tự động trong công đoạn hàn.
Do vậy, việc ứng dụng của họ rất rộng rãi. Tại Việt Nam, muốn chiếm được thị trường xuất khẩu, ngành công nghiệp sản xuất ô-tô cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại ô-tô chất lượng cao. Muốn vậy, cần phải trang bị những dây chuyền sản xuất hiện đại, mà chỉ có tự động hóa mới làm được.
Việc tự động hóa dây chuyền sản xuất không chỉ ứng dụng trong ngành công nghiệp ô-tô mà còn ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp cơ khí khác. Tuy nhiên, nhiều DN tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa ứng dụng rộng rãi hoạt động này.
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, hiệu quả của việc tự động hóa vào dây chuyền sản xuất đã thấy rõ, song, nhiều DN vẫn chưa quan tâm. Một phần do giá thành của các thiết bị cao, phần nữa là quan điểm về đầu tư của lãnh đạo DN chưa thống nhất khiến việc ứng dụng còn hạn chế.
Ông Trần Trung Kiên, Công ty TNHH MTV SMC Pneumatics (Chi nhánh Đà Nẵng) cho biết, khi chọn mua các thiết bị công nghệ, DN cần tính đến tính kinh tế của sản phẩm. Có thể giá thành của thiết bị ban đầu cao nhưng chất lượng tốt thì vẫn nên chọn hơn là những sản phẩm giá thành rẻ song chất lượng kém.
Việc tự động hóa dây chuyền sản xuất nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ giúp DN làm chủ được công nghệ sản xuất tự động hiện đại; qua đó, giúp tăng năng suất, sản lượng, giảm độc hại, đồng đều chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các DN cần thay đổi tư duy và tận dụng sự hỗ trợ của các sở, ngành và đơn vị liên quan để có cơ hội tiếp cận và đưa những công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất.
Bài và ảnh: Thanh Tình