Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách thể chế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường và tái cấu trúc thực tế nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2015, sáng 1/12 tại Hà Nội.
Theo VCCI, doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng. |
Theo Bộ trưởng, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng khâu thực thi còn nhiều tồn tại, yếu kém.
Với chủ đề của diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” Bộ trưởng Vinh cho biết sẽ có 10 nhóm vấn đề liên quan đến đất đai, ngân hàng, cơ sở hạ tầng… sẽ được tập trung thảo luận và đây là những vấn đề Việt Nam rất quan tâm.
Càng thành công, càng bị kiểm tra nhiều
Thông điệp chính của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến lộc tại diễn đàn: Thúc đẩy kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh cần phải là trọng tâm chính sách thời hội nhập.
Đây là VBF đầu tiên được tổ chức sau khi Việt Nam vừa kết thúc đàm phán với các quốc gia trong TPP và cơ bản hoàn tất đàm phán FTA với EU và một số đối tác thương mại quan trọng khác, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp của VCCI cho thấy ghi nhận tích cực của doanh nghiệp về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.
VCCI cũng nhìn nhận, cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Nghịch lý được Chủ tịch VCCI nêu rõ là qua các cuộc khảo sát gần đây về cải cách thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.
"Đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây”, ông Lộc phát biểu.
Những tín hiệu không tốt
Nhấn mạnh quan niệm một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn, Chủ tịch VCCI cho rằng sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.
Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án huỷ các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới, ông Lộc đề nghị.
Điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển, theo Chủ tịch VCCI lại là khu vực giữ vai trò động lực - khu vực tư nhân trong nước.
“Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh”, Chủ tịch VCCI quan ngại.
Theo VCCI, Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việc tái cấu trúc lại cơ cấu vốn của các doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay, tuy rất khó khăn, nhưng đang là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và là thách thức lớn cần tập trung giải quyết đối với chính sách tiền tệ và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong những năm tới, Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Theo VnEconomy