.

Xây dựng thương hiệu để hội nhập

.

Thương hiệu sản phẩm là lợi thế cạnh tranh, là tài sản doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bán được hàng với giá cao hơn; đồng thời, thương hiệu là yếu tố quyết định để người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm hàng hóa trên thị trường. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, thương hiệu chiếm khoảng 30% giá trị doanh nghiệp (DN). Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa rất quan trọng trên thị trường đối với DN.

Những sản phẩm có thương hiệu mạnh của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.
Những sản phẩm có thương hiệu mạnh của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm thương hiệu

Theo số liệu từ Sở Công thương, từ năm 2011 đến quý 1-2015, các DN của thành phố đã được cấp 8 bằng sáng chế, 5 bằng giải pháp hữu ích, 11 bằng kiểu dáng công nghiệp và 966 bằng nhãn hiệu hàng hóa.

Ngoài ra, ở khu vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, UBND thành phố đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho 31 doanh nghiệp, HTX tập trung ở các nội dung: thiết kế nhãn hiệu, đăng ký sở hữu nhãn hiệu, quản lý và sử dụng thương hiệu…

Tuy nhiên, đây là con số quá ít ỏi so với tổng số 15.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố. Nhưng ngay với những nhãn hiệu, thương hiệu của các DN đã xây dựng cũng chỉ dừng lại ở mức độ dùng để phân biệt sản phẩm của DN này với DN khác, chưa được thương mại hóa và được xem là nguồn tài sản vô hình quý giá của doanh nghiệp.

Chẳng hạn như ngành chế biến thủy sản, hiện cả thành phố có 24 cơ sở chế biến với công suất khoảng trên 45.000 tấn sản phẩm và đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nam Mỹ, Trung Đông... Nhưng số đơn vị xây dựng được thương hiệu sản phẩm và nhãn hiệu hàng hóa cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Các DN thuộc lĩnh vực dệt may, da giày cũng mới chỉ các DN lớn đã xây dựng thương hiệu sản phẩm và nhãn mác hàng hóa, số còn lại khá thờ ơ và bằng lòng với việc làm gia công cho các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới.

Điều đáng buồn là hầu hết các DN nhỏ và vừa, những DN làm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiểu thủ công nghiệp hầu như không quan tâm, thậm chí có DN còn chưa có cả khái niệm về xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn mác hàng hóa.

Nếu tình trạng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn mác hàng hóa không được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì sẽ là nguy cơ các DN của chúng ta có thể thua ngay trên thị trường nội địa khi Việt Nam hội nhập.

Không thể sống mãi bằng tên người khác

Hiện nhiều sản phẩm do các DN của thành phố sản xuất phải xuất khẩu với nhãn mác của các DN nước ngoài (đối tác làm ăn, liên kết…). Điều này gây nhiều thiệt hại cho DN, lợi nhuận vì thế cũng giảm nhiều, khó có điều kiện mở rộng thị trường và chủ động xuất khẩu trong tương lai.

Lãnh đạo Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết: Mặc dù hầu hết sản phẩm của công ty nói riêng và nhiều DN khác xuất khẩu sang các thị trường châu Âu đều đạt tiêu chuẩn của các nước sở tại và được đưa thẳng ra các siêu thị bán cho người tiêu dùng, nhưng sản phẩm phải mang nhãn mác của các đối tác, rất ít sản phẩm được mang tên, nhãn mác của cơ sở. 

Mặc dù nguyên vật liệu do chúng ta khai thác và toàn bộ quá trình sản xuất được thực hiện từ khâu đầu đến khâu cuối tại DN, điều này đồng nghĩa với việc là phần lợi nhuận chủ yếu các đối tác nước ngoài hưởng.

Không thể sống mãi bằng “tên của người khác”, nếu tình trạng này còn kéo dài ngày nào thì các DN của chúng ta chỉ suốt đời làm thuê, hưởng tiền công rẻ mạt (gia công) hoặc phải sống nhờ vào thương hiệu của họ.

Vấn đề đặt ra là, các DN phải khẩn trương xây dựng thương hiệu cho chính mình, cho dù đây là một quá trình lâu dài, tốn kém cả thời gian và tiền của. Sự thành công của các sản phẩm cao su với nhãn mác DRC của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, một số sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ với nhãn mác là Hotexco hay các sản phẩm của Công ty CP Dệt may 29-3 với nhãn mác Hachiba là rất đáng khích lệ.

Đặc biệt, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đăng ký và bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “DRC, HÌNH” trên lãnh thổ Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar. Có được thành quả đó là do các đơn vị này đã ý thức được và quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu từ lâu.

Để các DN có được thương hiệu, ngoài sự nỗ lực của chính DN, rất cần sự hỗ trợ của UBND thành phố, ngành Công thương và các cơ quan chức năng. Được biết, Sở Công thương đang xây dựng đề án phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ưu tiên của thành phố Đà Nẵng.

Hy vọng đây là chỗ dựa và là động lực cho các DN quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm và nhãn mác hàng hóa, tự tin hội nhập. Vấn đề này sẽ trở nên cấp bách hơn khi vào năm 2016, Việt Nam sẽ chính thức hội nhập với hàng loạt các hiệp định đã được ký trong những năm qua, nhất là các hiệp định được ký trong năm 2015. Trong đó, đặc biệt quan trọng là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết vào ngày 4-2-2016 sắp tới.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.