Với hàng loạt hiệp định ký kết giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế được thông qua trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên, những rào cản từ phía các đối tác nhập khẩu ở một số thị trường lớn có làm khó cho kế hoạch xuất khẩu của Đà Nẵng nói riêng?
TPP mở ra cơ hội cho ngành dệt may rất lớn, do vậy các doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. |
Tăng trưởng chưa khả quan
Theo Sở Công thương thành phố, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Đà Nẵng năm 2015 đạt gần 1.300 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014.
Số liệu cho thấy, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử tuy có mức tăng trưởng cao, nhưng chưa đồng đều. Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá, khoảng từ 15% - 25%, thuộc về những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Công ty Mabuchi Motor, Công ty Điện tử Việt Hoa...
Các doanh nghiệp dệt may giữ tốc độ tăng trưởng tốt do tình hình kinh doanh và đơn hàng khá thuận lợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản trong năm nay gặp nhiều bất lợi đối với thị trường truyền thống (Mỹ, EU, Nhật…) do nhu cầu thị trường giảm, sự bất ổn của đồng EURO, USD, tác động của thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm đông lạnh... Ngoài ra, các doanh nghiệp đồ chơi trẻ em, sản phẩm gỗ, hoạt động xuất khẩu khá ổn định, song mức tăng trưởng không cao.
Cụ thể, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố như động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 380 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2014; hàng dệt may ước đạt 310 triệu USD, tăng 14,8%; cao su thành phẩm ước đạt 19 triệu USD, tăng 8%; đồ chơi trẻ em ước đạt 60 triệu USD, tăng 7,1%; thủy sản ước đạt 185 triệu USD, tăng 5,73%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 11 triệu USD, tăng 4,8%. Riêng dăm gỗ ước đạt 14,5 triệu USD, giảm 3,3%.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng trưởng chưa thật ổn định, thị trường xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu xu hướng ngày càng tăng.
Đơn cử như lĩnh vực xuất khẩu thủy sản là một trong những mặt hàng chủ lực của Đà Nẵng, song không ít doanh nghiệp lo lắng bởi khả năng cạnh tranh rất lớn.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước nhìn nhận, mặc dù thuế suất thủy sản vào Hoa Kỳ giảm so với trước đây, nhưng đến nay hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vẫn rất khó khăn.
Nguyên nhân do giá thành nguyên liệu đang ở mức cao không chỉ thị trường ngoài nước mà kể cả tại chỗ. Doanh nghiệp muốn cạnh tranh buộc phải nhập khẩu nguyên liệu, trong khi đó những thị trường lớn như Hoa Kỳ đòi hỏi cao về nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng.
Cần sớm làm chủ thị trường
Các chuyên gia kinh tế nhận định, những hiệp định mới được ký kết, hứa hẹn tạo thuận lợi nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu, trong đó có một số mặt hàng chủ lực của Đà Nẵng như dệt may, sản phẩm linh kiện điện tử, thủy sản, đồ gỗ...
Hiện nay, Mỹ và Hàn Quốc hiện là hai thị trường lớn chiếm tới gần 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố; trong đó ngành dệt may chiếm trên 75%, có doanh nghiệp trên 90%.
Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp của Đà Nẵng, theo ông Herb Cocharan, Giám đốc Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho rằng, nhằm gia tăng thị phần xuất khẩu trong chuỗi cung ứng quốc tế, các doanh nghiệp cần năng động, cải thiện nhiều hơn để trở thành nhà cung cấp đạt “chuẩn” cho thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu.
Từ những lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp địa phương cũng như doanh nghiệp FDI có thể khai thác hiệu quả nhất lợi ích do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại. Và quan trọng hơn cần phải chiếm nhiều thị phần hơn nữa trong tổng giá trị xuất khẩu.
Theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố, khả năng cạnh tranh ứng phó trước những thách thức và tận dụng, nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp địa phương còn yếu trong bối cảnh đất nước thực hiện lộ trình mở cửa thị trường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Với vai trò của ngành, Sở Công thương đang phối hợp các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu trong thời gian tới...
Bài và ảnh: Duyên Anh