Trong gần 10 năm trở lại đây, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn thành phố giảm mạnh. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, hiện nay hoạt động chăn nuôi ở Đà Nẵng chủ yếu triển khai ở huyện Hòa Vang với tổng đàn trâu, bò gần 20.000 con, tổng đàn heo 65.477 con, tổng đàn gia cầm hơn 360.000 con.
Chăn nuôi ở Đà Nẵng hiện chưa có hướng đầu tư bền vững. |
Sau 2 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi đã đạt một số kết quả như chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư sang quy mô gia trại theo hướng an toàn sinh học; đổi mới quy trình giết mổ từ thủ công sang bán thủ công; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm về thịt, trứng động vật quản lý chặt chẽ hơn.
Năm 2015, thanh tra thú y đã xử lý 73 trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thu phạt 118 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số gia trại, trang trại quy mô lớn ở Hòa Vang giảm mạnh; nuôi nhỏ lẻ tại các hộ không đáng kể.
Thực ra, lâu nay chăn nuôi ở Đà Nẵng hình thành theo kiểu tự phát, người dân tự bươn chải giữa vô vàn khó khăn. Vì mưu sinh, họ chạy ngược chạy xuôi mua con giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và lo đầu ra sản phẩm, ít nhận được sự hỗ trợ. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai, việc chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ tại gia khó tồn tại.
Trong khi đó, vùng chăn nuôi tập trung chưa được quy hoạch, vì thế các chủ trang trại khó phát triển cơ ngơi. Khó khăn chồng chất, làm cho giá thành sản phẩm chăn nuôi tại chỗ cao, khó cạnh tranh trên thị trường.
Trong lúc đó, chăn nuôi ở Đà Nẵng, nhất là vùng nông thôn Hòa Vang rất có tiềm năng phát triển. Cụ thể như với diện tích tự nhiên hơn 70.000ha, đủ điều kiện xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn; thị trường tiêu thụ ở đô thị Đà Nẵng gần 1 triệu người.
Trong khi xã Tân Thanh Đông, huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) có gần 2 vạn con bò sữa và hàng nghìn con bò thịt, cả huyện Hòa Vang chỉ có hơn 17.000 con bò. Đây là điều đáng để ngành chăn nuôi suy ngẫm.
Phải nói rằng, yếu kém trong chăn nuôi ở Đà Nẵng một phần do người dân không mạnh dạn đầu tư, song nguyên nhân cơ bản là chính quyền các cấp, cơ quan chức năng không coi trọng lĩnh vực này, không có giải pháp căn cơ để khai thác triệt để tiềm năng đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi tại chỗ.
Lâu nay, Chi cục Thú y đã thực hiện khá tròn vai chức năng kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Song họ đang khá nhàn rỗi, bởi, lực lượng khá đông, trong khi tổng đàn vật nuôi quá khiêm tốn. Một số thú y viên cơ sở, mỗi tháng nhận đều đều 1.150.000 đồng trợ cấp từ ngân sách, nhưng có lẽ ít khi phải chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.
Đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi, nâng tổng đàn gia súc, gia cầm lên gấp 5-6 lần hiện nay là vấn đề đặt ra cho tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Tín hiệu khá lạc quan là Sở NN&PTNT đã có kế hoạch thành lập Chi cục Chăn nuôi và thú y.
Tuy vậy, hiện nay kế hoạch này đang nằm trên giấy. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, phụ trách chăn nuôi cho rằng, để chăn nuôi ở Đà Nẵng phát triển, trước hết phải quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung. Tại đó, có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại về quỹ đất, vốn vay ưu đãi để họ phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, số lượng lớn.
Trồng cỏ nuôi bò đã khẳng định được ưu thế về hiệu quả kinh tế, thời gian tới cần mở rộng diện tích gấp hàng chục lần hiện nay. Các cánh đồng trồng lúa không chủ động nước tưới cần chuyển sang trồng cỏ. Cùng theo đó, phát triển mạnh đàn dê, bò sữa. Chăn nuôi bò sữa tại hộ ông Huỳnh Như Khánh ở thôn 1, xã Hòa Ninh hiệu quả kinh tế rất cao. Từ con bò thải loại của dự án do Sở NN&PTNT triển khai tại xã Hòa Khương, cách đây 6-7 năm, ông đưa về nuôi, nay đẻ thêm 2 bò con. Đầu ra sản phẩm đã có nhà máy chế biến sữa của Công ty CP Vinamilk tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu