.
Công ty khởi nghiệp

Mô hình nào quyết định thành công?

.

Theo Cathy Castill, một nhà nghiên cứu về khởi nghiệp cho biết các công ty trẻ hiện vận dụng khá linh hoạt và đa dạng hệ thống quản trị doanh nghiệp, tạo nên những sáng tạo mới trong phương thức quản lý và tổ chức điều hành. Tuy nhiên, những công ty có cơ cấu tổ chức có hệ thống thường phát triển nhanh hơn so với đối thủ cạnh tranh gấp ba lần và ít bị thay đổi giám đốc điều hành (CEO) trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt?

Nhà máy giấy Tân Long của công ty CP Á Châu, hiện là một trong những đơn vị có tốc độ tăng  trưởng cao. 							      Ảnh: ĐỨC THỊNH
Nhà máy giấy Tân Long của công ty CP Á Châu, hiện là một trong những đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Những nghiên cứu gần đây cho thấy các công ty khởi nghiệp thành công thường áp dụng mô hình hoạt động theo một cơ cấu tổ chức nhất định. Cơ cấu này giúp họ điều hành công việc khá thuận lợi trong hoạt động kinh doanh ở những năm đầu khởi nghiệp. Vậy có các loại cơ cấu tổ chức nào cho doanh nghiệp khởi nghiệp?

Đầu tiên có thể kể đến cơ cấu tổ chức phẳng hay cơ cấu tổ chức không phân tầng (flat oganizational structure). Nhiều công ty nhỏ sử dụng một cơ cấu tổ chức phẳng, nơi mà rất ít các cấp quản lý điều hành riêng biệt trong doanh nghiệp từ chuyên gia kỹ thuật đến nhân viên hành chính.

Cơ cấu tổ chức “phẳng” thường được áp dụng đối với công ty có ít hơn 20 nhân viên, đặc biệt là nếu các công ty sử dụng một hoặc hai nhân viên tại mỗi bộ phận chức năng. Một lợi thế trong cơ cấu tổ chức phẳng là các quyết định có thể được thực hiện tương đối nhanh chóng. Đặc biệt là cơ cấu tổ chức này chưa xuất hiện sự quan liêu điển hình thường có trong cơ cấu tổ chức cao hơn.

Cơ cấu tổ chức thứ hai được phân theo chức năng (funtional oganizational structure). Cơ cấu tổ chức này lấy chức năng công việc làm trung tâm. Chẳng hạn như chức năng nghiên cứu và phát triển, tiếp thị và bán hàng, kế toán và tài chính,…

Các lãnh đạo bộ phận chức năng có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp, trong đó cả các đánh giá, phân tích chi tiết đối với từng chức năng. Để áp dụng hiệu quả cơ cấu tổ chức này thì các công ty nhỏ cần có rất nhiều dự án triển khai cùng một lúc, và đây chính là bước chuyển đổi cần thiết khi các công ty khởi nghiệp mở rộng quy mô.

Ngoài ra, còn nhiều loại cơ cấu tổ chức trong quản lý dành cho các doanh nghiệp nói chung và các công ty khởi nghiệp nói riêng. Suy cho cùng, cơ cấu tổ chức nào đi nữa phải được thiết kế để đáp ứng yêu cầu các mục tiêu của công ty đã đề ra.

Trên thực tế, một số doanh nhân thường nhầm tưởng và coi hệ thống quản lý như là một “tác nhân ức chế” cho sự sáng tạo và tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhất là đối với những “chồi non khởi nghiệp”- những doanh nhân trẻ bắt đầu những bước chân đầu tiên vào xây dựng một doanh nghiệp mới.

Chính vì thế họ thường trì hoãn việc xây dựng một hệ thống quản trị chuẩn mực do thói quen ra quyết định dựa trên cảm nhận và thông tin cá nhân, từ đó cho rằng không cần phải duy trì hoặc bị cảnh báo bởi một mô hình quản trị quy chuẩn nào đó.

Cho đến khi bị thất bại, nhà quản lý mới nhận ra tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống quản lý. Nhất là khi doanh nghiệp bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh mà chưa hề vững vàng trước sự biến động không ngừng của nền kinh tế.

Nếu muốn đi nhanh thì hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau (Warren Buffett).

Một nghiên cứu có đóng góp quan trọng trong thực hành quản trị công ty khởi nghiệp đăng tải tại Tạp chí quản lý của California (Hoa Kỳ) do nhóm tác giả(1) đoạt giải Accenture 2011 với bài viết “Xây dựng một công ty khởi nghiệp tăng trưởng cao và bền vững: Hệ thống quản lý như một cỗ máy gia tốc (Accelerator)”.

Nội dung nghiên cứu khẳng định rằng, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhiều công ty trẻ đã thành công nhờ người sáng lập cùng một lúc “đội nhiều mũ” để điều hành và giám sát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, “Khi công ty phát triển, phong cách quản lý này sẽ dẫn đến chết người”, kết luận của các nhà nghiên cứu. Một trong 78 công ty khởi nghiệp cũng đã trao đổi với các nhà nghiên cứu, “Chúng tôi đã quản lý công ty theo quan điểm và ý chí chủ quan của cá nhân, và nó sẽ là trở lực khi quy mô công ty được mở rộng. Thực tế, một cá nhân chỉ có thể quản trị được 1 tầng và vượt qua được 2 bức tường. Còn cao hơn và xa hơn nữa thì một cá nhân không thể với tới được”.

Đối với hầu hết các công ty khởi nghiệp, khi số lượng người lao động vượt quá 30 người thì hệ thống quản trị cần được áp dụng một cách bài bản hơn và chuẩn bị đầy đủ hơn, theo thống kê của các nhà nghiên cứu. Với số lượng người như vậy thì đây được xem là giai đoạn chuẩn bị tăng tốc và có khuynh hướng mở rộng quy mô khá nhanh. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, các công ty khởi nghiệp có các nhà đầu tư chuyên nghiệp cùng đồng hành với họ, chẳng hạn như các chuyên gia tư vấn từ nhà đầu tư mạo hiểm - sẽ đem lại nhiều thành công hơn bởi các nhà đầu tư có khuynh hướng chuyển đổi mô hình quản trị cá nhân sang phong cách quản lý chuyên nghiệp.

Lựa chọn mô hình quản lý cho một công ty khởi nghiệp là việc làm hết sức quan trọng trong giai đoạn đầu mới hình thành. Phương thức quản lý theo kiểu kinh doanh truyền thống, hay kinh doanh gia đình được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam - đã tác động không nhỏ đến các phong cách quản trị doanh nghiệp của các chủ doanh nghiệp hiện nay.

Việc chuyển đổi nhận thức quản trị theo kiểu kinh doanh gia đình đối với các công ty khởi nghiệp là việc làm hết sức cần thiết, tạo bước đi vững chắc trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

TS. Phạm Thanh Trà


(1) Antonio Davila, Giáo sư về kinh doanh tại Đại học Navarra ở Barcelona; GeorgeFoster, Giáo sư Konosuke Matsushita quản trị; và Jia Ning, Phó Giáo sư, Tiến sĩ toán học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh là đồng tác giả bài báo sau khi nghiên cứu 78 công ty khởi nghiệp tại California.

;
.
.
.
.
.