.

Dấu ấn Hòa Nhơn

.

Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang vừa được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và thưởng một công trình dân sinh trị giá 100 triệu đồng. Không thỏa mãn với thành tựu đã đạt, xã Hòa Nhơn đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất.

Thu hoạch nấm sò ở HTX Nấm Nhơn Phước.
Thu hoạch nấm sò ở HTX Nấm Nhơn Phước.

Về Hòa Nhơn những ngày gần cuối năm Ất Mùi, đến đâu cũng thấy làng quê như khoác thêm áo mới và sôi động không khí lao động sản xuất. Trên các cánh đồng, những chiếc máy nông cụ cần mẫn làm đất và bà con nông dân đang hối hả chạy đua cùng thời gian gieo sạ lúa đông xuân. Tại các đồng cạn, hàng trăm người tích cực tỉa đậu, trồng rau.

Lâu nay, HTX Nấm Nhơn Phước không chỉ là mô hình tiêu biểu của xã Hòa Nhơn mà của cả huyện Hòa Vang. Tuy mới thành lập nhưng 8 thành viên của HTX đã thường xuyên đưa ra thị trường khá nhiều nấm sò, nấm linh chi.

Hòa chung không khí thi đua đẩy mạnh sản xuất trên địa bàn xã, HTX vừa nhập về hàng chục tấn nguyên liệu, huy động nhiều nhân lực chuẩn bị vụ sản xuất mới.  Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi tiếp nhận lò hấp nguyên liệu, tủ sấy sản phẩm trị giá 80 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến công và Hội Nông dân thành phố, HTX vừa được huyện Hòa Vang hỗ trợ giàn phun sương, trị giá 25 triệu đồng.

Với cơ ngơi vừa nâng cấp, trang thiết bị hoàn thiện, tiếp nhận chu đáo quy trình sản xuất theo công nghệ cao, năm tới, HTX sẽ nâng sản lượng nấm lên từ 1,5 đến 2 lần so năm 2015. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực trồng nấm sò, vị giám đốc HTX mới ngoài 30 tuổi này cho biết thêm: Riêng khu vực 400m2 của gia đình, mỗi ngày thu 40 - 50kg nấm sò với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg.

Nấm linh chi, mỗi năm thu khoảng 100kg. Hiện tại HTX đang làm dịch vụ cung cấp bịch nấm đã cấy giống cho bà con địa phương, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Mở ra chưa lâu, song 7 hộ tại thôn Thạch Nham Tây đang ăn nên làm ra từ nghề ủ giá trong cát. Đây là nghề mới nhất ở Hòa Nhơn. “Mỗi ngày sử dụng hết 15kg đậu, thu khoảng 60kg giá, trừ chi phí lãi ròng 400.000- 500.000 đồng” - ông Tân, một lão nông vừa chuyển từ nghề khai thác cát trên sông Túy Loan sang ủ giá cho biết.

Sôi động nhất ở Hòa Nhơn là sản xuất rau sạch. Ngoài vùng rau dự án QSEAP triển khai tại thôn Thạch Nham Tây, các thôn Phước Hưng Nam, Ninh An có diện tích rau khá lớn. Rau tại đây được trồng khá bài bản, năng suất khá cao.

Dẫn chúng tôi đến vườn rau rộng 3 sào của gia đình, ông Phan Văn Kim, trưởng thôn Ninh An, cho biết: Tuy không được hỗ trợ như các vùng rau khác, song ở Ninh An, vườn nào cũng trồng khổ qua, dưa leo trĩu quả.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Hòa Nhơn đang phát huy thế mạnh về thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Với 160 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên các lĩnh vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng... giá trị sản xuất năm 2015 đạt hơn 150 tỷ đồng.

Nói về thành tựu trong xây dựng nông thôn mới của xã, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết: 5 năm qua, Hòa Nhơn đã huy động 251,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 42,6 tỷ đồng.

Đến nay 19/19 tiêu chí đã hoàn thành, thu nhập bình quân 27,23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,3%. Xã vừa triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí từ nay đến năm 2020. Theo đó, cùng với việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, xã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư mở ra các hoạt động kinh tế mới khả thi, triển khai nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, phấn đấu năm 2016 xóa hết hộ nghèo, đến năm 2020 thu nhập đạt 55 triệu đồng/người/năm...

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.