.

Đêm trắng ở chợ đầu mối

.

Sau 0 giờ, thành phố chìm sâu vào giấc ngủ, chợ đầu mối Hòa Cường những ngày cuối năm càng ồn ào, náo nhiệt bởi hàng trăm xe tải chất đầy ắp hàng nối đuôi nhau rầm rập đổ về đây, cung cấp thực phẩm cho cả thành phố. Bên trong chợ, hàng ngàn tiểu thương, phu chợ vẫn mướt mồ hôi mưu sinh trong màn sương đêm rét mướt.

Các phu chợ khẩn trương bốc hàng xuống xe, chuyển vào chợ cho các hộ kinh doanh buôn bán. 			Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Các phu chợ khẩn trương bốc hàng xuống xe, chuyển vào chợ cho các hộ kinh doanh buôn bán. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Một phu chợ bốc 2,5 tấn hàng/đêm

Bắt đầu từ 1 giờ, các xe tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau đổ về các trục đường Lê Nổ, Lê Thanh Nghị, Lê Sát… nằm chờ các phu chợ bốc hàng. Bên trong chợ, điện sáng trưng như ban ngày, các hộ kinh doanh đã bắt đầu có mặt đông đủ chuẩn bị nhận hàng nhập về. Dù chợ hoạt động 24/24 giờ nhưng thời gian sôi động và nhộn nhịp nhất vẫn là lúc nửa đêm về sáng. Vào các ngày rằm, 30, mồng 1 và những ngày cuối năm, chợ có từ 7.000-8.000 người hoạt động trên diện tích 2 hec-ta.

Do phải thường xuyên thức đêm nên đôi mắt phu chợ nào cũng trở nên thâm quầng, gương mặt hốc hác. Xen lẫn những thanh niên trẻ còn có cả những người già tham gia cái nghề bán sức nặng nhọc này.

Những dáng người nhỏ bé nhưng đôi tay cứ rướn về phía trước đỡ lấy từng thùng hàng nặng hơn cả tạ từ trên xe chuyền xuống, rồi lại tiếp tục gồng mình đẩy vào lòng chợ. Dù tiết trời gió lạnh nhưng mồ hôi các phu chợ vẫn ướt đẫm tấm lưng gầy.

Vừa quệt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên gương mặt phờ phạc, anh Dương Tân, đội phó đội bốc xếp trái cây, chia sẻ: “Hàng về lúc nào là mình có mặt lúc đó. Cường độ làm việc nhiều nhất là từ 7 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Mỗi bao hàng củ, quả nặng từ 1-1,5 tạ và một đêm mình bốc khoảng 2,5 tấn”.

Với thâm niên hơn 25 năm làm nghề bốc xếp, anh Tân có 7 năm bươn chải ở chợ đầu mối này. Vất vả là vậy nhưng mỗi ngày anh cũng chỉ kiếm được bình quân từ 150.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào thu nhập cũng ổn định vì làm theo sản phẩm.

“Có những đêm mưa gió cũng phải mang áo mưa kéo hàng cho đúng giờ bởi bắt đầu từ 2 giờ là các hộ kinh doanh đã bán hàng. Khi nào có việc bận, nghỉ lâu ngày mà bốc hàng trở lại thì lưng mình đau ê ẩm. Đó là chưa kể vào giờ cao điểm, anh em phải bốc hàng khẩn trương để các xe khác còn được lưu thông”, anh Tân giải thích.

Hiện nay, ở chợ đầu mối có hơn 150 phu chợ được chia thành hai đội, trong đó có một đội hàng trái cây khoảng 60 người, số còn lại là đội hàng lagim. Đó là chưa kể những phu làm thời vụ. Mỗi đội đều có đội trưởng và một ban chỉ đạo để quản lý. Ngoài ra, đội trái cây thuộc nghiệp đoàn bốc xếp nên chợ không có hiện tượng bảo kê và luôn đảm bảo an ninh trật tự.

Vợ chồng anh Võ Thanh Lâm miệt mài thái hàng chục kg măng tươi từ 3 giờ sáng.
Vợ chồng anh Võ Thanh Lâm miệt mài thái hàng chục kg măng tươi từ 3 giờ sáng.

Sống kiếp cò vạc

Vào những ngày cận Tết, lượng hàng hóa đổ về chợ đầu mối nhiều gấp 3-4 lần ngày thường, có khi lên đến 800 tấn/ngày. Có mặt ở chợ đầu mối từ lúc 1 giờ 30, chị Nguyễn Thị Vương Liên cũng như 1.200 hộ kinh doanh khác nơi đây phải dậy từ lúc 0 giờ.

Dù đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ, đôi tay chị Liên vẫn thoăn thoắt bóc tách những bẹ su bị hỏng để kịp chuyển cho khách. Chị Liên chia sẻ: “Mỗi ngày chị bán sỉ khoảng 3 tạ rau, củ quả các loại cho những người mua hàng đến từ các chợ trong thành phố. Ngày nào đắt khách thì khoảng 9 giờ là có thể về, ngày nào ế thì ngồi đến tận trưa”.

Là người có thâm niên bán hàng rau, củ quả lâu nhất ở chợ đầu mối nhưng cuộc sống của chị Hoàng Thị Quy vẫn không khá lên. Chị Quy than thở: “Chị bám nghề đã hơn 30 năm ở các chợ Hàn, Tam Giác, chợ Mới, rồi chuyển qua đây từ khi chợ đầu mối thành lập. Làm cái nghề này cực lắm, trong khi người ta ngủ thì mình phải thức nhưng cũng không thể bỏ được vì còn phải lo miếng cơm manh áo”.

Nói đến sự vất vả, có lẽ không ai qua vợ chồng anh Võ Thanh Lâm. Sáng nào cũng dậy từ rất sớm, hai vợ chồng cứ ngồi lặng lẽ cắm cúi thái măng tươi. Trong khi nói chuyện với chúng tôi, đôi tay anh Lâm vẫn không ngừng cắt măng: “Vợ chồng tui làm nghề này cũng được hơn 20 năm rồi. Sáng nào cũng thái một bao măng hơn 30 kg. Trưa về là hai đôi tay đau nhức ê ẩm”.

Vừa nói, anh vừa giơ đôi bàn tay sưng húp lên cho tôi xem: “Em thấy đó, mấy khớp tay giờ u cả lên. Tay phải chừ to hơn tay trái rồi. Nhưng không làm thì tiền đâu mà sống!”. Hầu hết các hộ kinh doanh ở đây đều xuất thân từ nghề lao động phổ thông, buôn bán lâu năm lam lũ nhưng họ vẫn chịu khó thức khuya bám nghề vì cuộc sống vẫn còn khó khăn.

Những hoàn cảnh như anh Tân, chị Liên, chị Quy, vợ chồng anh Lâm… nơi đây không phải hiếm. Vì cuộc sống, vì gia đình, họ phải bán sức với những đêm dài thức trắng, bỏ lại giấc ngủ êm đềm, bình dị phía sau để sống kiếp cò vạc…

Còn đó những nỗi lo toan

Không chỉ những người mưu sinh ở chợ mới thức đêm mà còn có cả những người bảo vệ chợ thường xuyên canh giữ sự bình an cho 7.000-8.000 người làm việc nơi đây.

Dụi đôi mắt sâu thâm quầng do thiếu ngủ, anh Nguyễn Trường Sơn, tổ phó bảo vệ chợ, chỉ tay về phía đoàn xe quay đầu rời bãi rồi nói: “Vào giờ cao điểm, khoảng 2-3 giờ sáng, có khoảng  40 xe tải lớn và 200 xe tải nhỏ vận chuyển hàng rau, củ quả đỗ xung quanh các cổng chợ, chờ phu chợ đến bốc hàng. Đặc biệt những ngày cuối năm, lượng hàng hóa đổ về chợ đầu mối nhiều gấp 3-4 lần ngày thường, có khi lên đến 800 tấn/ngày”.

Khi những chuyến xe tải lớn, nhỏ rời khỏi chợ cũng là lúc các phu làm ca khuya tranh thủ ngồi nán lại nghỉ để lấy sức sau một đêm bốc vác nặng nhọc. Thay vào đó, những phu làm ca sáng vẫn tiếp tục hì hục đẩy hàng cho những người mua sỉ.

Đây cũng là thời điểm hàng trái cây, hàng lagim trong chợ theo chân những tiểu thương tiếp tục cuộc hành trình mới tản về các ngả đường để đến các chợ trong trung tâm thành phố. “Săn hàng” từ tờ mờ sáng, chị Nguyễn Thị Lan than thở: “Những ngày giáp Tết phải có mặt sớm mới chọn được trái cây tươi và ngon. Hôm nào đi trễ một chút là coi như trớt quớt. Nhưng cũng chỉ lựa bằng mắt thường thôi, chứ đâu biết được nó có độc hại hay không bởi hàng hóa ở đây đều do các hộ kinh doanh tự khai thác. Mình mua về cho các khách sạn nên không sợ đắt, chỉ lo chất lượng”.

Khệ nệ bưng thùng trái cây từ tay chị Lan chất lên xe máy, anh Nguyễn Văn Phi cho biết thêm: “Mỗi ngày có khoảng 6-7% lượng trái cây ngoại nhập về chợ đầu mối (tức khoảng 56 tấn/ngày với tổng lượng hàng của chợ nhập về 800 tấn/ngày - PV), chủ yếu là nho, táo, lựu, lê, nhãn, lòn bon, măng cụt… được các thương lái mua về từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Họ bán chung với trái cây trong nước nên khó phân biệt được đâu là hàng nội, đâu là hàng ngoại”. Chưa nói dứt câu, anh Phi đã nẹt pô chạy mất hút về hướng trung tâm thành phố cho kịp phiên chợ sáng.

Trời gần hửng sáng, chợ đầu mối vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Bên trong khung cảnh náo nhiệt ấy là những phận người đẫm mồ hôi đang gắng sức kiếm từng đồng, quên cả cơn buồn ngủ và mệt nhọc.

Dẫu vậy, điều đọng lại trong tôi nhiều nhất vẫn là hình ảnh những chiếc xe máy chất đầy hàng chạy vù vù trong đêm. Tất cả đều cố quên đi nỗi nhọc nhằn để mưu sinh ở thời khắc bao người vẫn êm đềm trong giấc ngủ say nồng. Thế mới thấy, trong cuộc sống, còn đó muôn nỗi lo toan với nhiều mảnh đời cơ cực.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường: Khó thiết lập nguồn hàng mới

Để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân thành phố, trong thời gian tới, Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cùng Sở Công thương sẽ tìm kiếm những nguồn hàng có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm để dần dần giảm tỷ lệ khai thác hàng kém chất lượng từ Trung Quốc.

Vừa qua, Ban Quản lý chợ đầu mối đã phối hợp với huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang giới thiệu cam Hàm Yên. Tuy nhiên, tâm lý người dân chưa quen tiêu thụ hàng lạ vì lo sợ cam Trung Quốc. Khó khăn hiện nay là nhiều hộ kinh doanh có bạn hàng lâu năm nên họ cần giữ chữ tín.

Khi cần hàng, họ gọi điện thoại cho nhau là có ngay thương lái, chủ nậu chở hàng tới và thanh toán gối đầu nên rất thuận tiện. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đưa sản phẩm vào chợ đều yêu cầu các hộ kinh doanh phải chuyển tiền trước. Vì vậy, cần có thời gian để tạo chữ tín thì mới thiết lập nguồn hàng mới được.

Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.