.
NGÀNH CÔNG THƯƠNG

Phấn đấu tăng 15 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

.

Sáng 14-1, Sở Công thương thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết.

Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 41.500 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2014. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với năm 2014 như sản phẩm điện tử, máy vi tính (tăng 36,02%), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (28,67%), xe có động cơ (24,5%).

Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 1.295 triệu USD, bằng 100% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông-lâm sản. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng khá như động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử, hàng dệt-may. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng 0,4%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và bán lẻ, dịch vụ đạt 72.500 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2014... Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chưa tăng trưởng ổn định, khả năng cạnh tranh ứng phó với những thách thức của doanh nghiệp còn yếu; ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nguyên phụ liệu tại chỗ thiếu phải phụ thuộc vào nhập khẩu...

Năm 2016, ngành Công thương phấn đấu đưa chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 10,8% so với 2015, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11-12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16-17%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15-16%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đề nghị ngành Công thương cần bám sát 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đề xuất những cơ chế, chính sách mới để phát triển ngành phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Phát triển doanh nghiệp, tạo sản phẩm mới; đổi mới công nghệ; đổi mới công tác kết nối cung cầu, từ sản xuất đến phân phối, giữa sản xuất với sản xuất, giữa phân phối với phân phối. Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ thêm một số mô hình sản xuất công nghiệp mới.

Tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác thương mại; mở rộng thị trường trong và ngoài nước; nên tổ chức hội chợ theo chuyên đề; tăng cường liên kết, giao thương với các địa phương khác, nhất là các thành phố lớn. Đặc biệt, tập trung kiểm tra kiểm soát, bình ổn thị trường Tết. Tại các chợ, nên chọn điểm để trưng bày hàng nhái, hàng thật để người tiêu dùng dễ nhận biết.

Dịp này, ông Nguyễn Hà Bắc, nguyên Phó Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng chính thức nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng.  

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.