Kinh tế
Sản phẩm công nghệ thông tin: Phát triển thương hiệu Việt
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã tự lực đầu tư nghiên cứu để cung cấp những chuỗi sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng, bao gồm cả khối cơ quan Nhà nước lẫn các DN. Tuy nhiên làm thế nào để thương mại hóa sản phẩm vẫn là bài toán khó cho DN.
Các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt phải hướng đến sự hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dùng và sự phát triển của xã hội. |
Ứng dụng điện toán đám mây
Theo các chuyên gia CNTT, việc các DN tự phát triển sản phẩm CNTT đã tạo động lực đẩy mạnh thị trường CNTT của thành phố, góp phần xây dựng hình ảnh Đà Nẵng là địa phương có nhiều sản phẩm và dịch vụ CNTT chất lượng. Nhiều sản phẩm CNTT được đưa vào cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của người dùng như thiết kế trò chơi trực tuyến, phần mềm tiện ích trong giảng dạy, y tế…
“Nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, hành chính… cũng được xem là thị trường tiềm năng cho các DN CNTT khai thác. Điều này tạo số lượng việc làm lớn cho lao động cũng như tạo sức cạnh tranh cho DN để cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng hơn”, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết.
Theo ông Thanh, để quảng bá thương hiệu sản phẩm CNTT của địa phương, thành phố đã chỉ đạo ưu tiên sử dụng các sản phẩm của DN đóng trên địa bàn thành phố, đồng thời khuyến khích các DN đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu sản phẩm CNTT của địa phương nhằm thu hút chất xám và quảng bá thị trường CNTT Đà Nẵng.
Theo nhận định của lãnh đạo các DN CNTT trên địa bàn thành phố, điện toán đám mây (Cloud Computing) được xem là xu hướng công nghệ chiến lược để các DN phát triển sản phẩm CNTT trong những năm gần đây.
“Phát triển sản phẩm CNTT dựa trên công nghệ điện toán đám mây sẽ cho phép các DN và tổ chức không cần tập trung quá nhiều cho cơ sở hạ tầng, không đòi hỏi nguồn nhân lực lớn. Công tác nâng cấp và bảo trì sản phẩm được chính DN CNTT liên tục cập nhật”, ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Truyền thông, Tập đoàn Microsoft tại Việt Nam cho hay.
Với mục tiêu đưa công nghệ này đi sâu vào cuộc sống, Tập đoàn Microsoft đã đưa các giải pháp điện toán đám mây như Microsoft Azure, Office 365 for Education ứng dụng một cách hiệu quả vào công tác quản lý các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Qua thời gian chạy thử nghiệm, ứng dụng này được các giảng viên và sinh viên đánh giá tốt, cung cấp nhiều tiện ích với các thành phần chính là SmartSchool, SmartClass, SmartTeam và SmartFamily. Hay như sản phẩm VNPT-HIS của Viễn thông Đà Nẵng (VNPT Đà Nẵng) cũng được một số trung tâm y tế, bệnh viện đánh giá cao khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) của Bộ Y tế.
Hỗ trợ khai thác sản phẩm CNTT
Các chuyên gia CNTT cho rằng, để hỗ trợ phát triển sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, Đà Nẵng cần có những tiêu chuẩn và chính sách rõ ràng. Hiện nay, nhiều sản phẩm CNTT phổ biến như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý bệnh viện, một cửa điện tử… được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá cao, thế nhưng việc thương mại hóa sản phẩm vẫn khó cho DN.
“Hầu hết các sản phẩm CNTT hiện nay đều đưa vào ứng dụng thí điểm, việc thuê hay mua sản phẩm do chính DN hay tổ chức tự đầu tư kinh phí, chưa có sự hỗ trợ từ các ngành liên quan. Bên cạnh các ưu đãi đầu vào cho hoạt động CNTT, mong muốn của nhiều DN là cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước để thương mại hóa thành công các sản phẩm CNTT mới. Đồng thời, quan tâm bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ để khuyến khích các DN đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm CNTT cũng là nhu cầu cấp bách”, đại diện một DN CNTT cho hay.
Để sản phẩm CNTT của DN địa phương thắng thế trên “sân nhà” trước sự cạnh tranh của sản phẩm nước ngoài, đại diện các DN cho rằng, thành phố cần có chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp CNTT nội địa, tạo những ưu đãi về thuế...
“Thành phố Đà Nẵng nhiều năm liền được đánh giá là địa phương dẫn đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT. Đây là một thuận lợi lớn cho việc ứng dụng CNTT nhưng cũng gây nhiều sức ép lên các DN CNTT như yêu cầu và tiêu chuẩn sản phẩm dịch vụ rất cao.
Ngoài ra, chính quyền thành phố đã và đang có dự án đầu tư sẵn một hệ thống CNTT phục vụ mục tiêu “Chính quyền điện tử” ở những khu vực rất then chốt nên vẫn còn bao cấp khiến các doanh nghiệp CNTT có cơ hội rất thấp để phát triển sản phẩm”, ông Lương Hồng Khanh, Giám đốc VNPT Đà Nẵng cho hay. Theo ông Khanh, các sản phẩm CNTT muốn có chỗ đứng trên “sân nhà” phải hướng đến hoàn thiện và được bổ sung, cập nhật liên tục, có sức sống lâu dài theo nhu cầu người dùng và sự phát triển của xã hội.
Đồng thời sản phẩm phải áp dụng những công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho người dùng cũng như đáp ứng các quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn quản lý chất lượng được công nhận toàn cầu như CMMi, ISO 27000…
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN