* Văn hóa đóng góp vào sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế
Sáng 31-12, tại Đà Nẵng, đại diện Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung về dự hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Công thương năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Năm 2015, cùng với nhiều giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, ngành Công thương đã kiểm soát được lạm phát; đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9,8%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%. Ngành Công thương góp phần quan trọng cùng Chính phủ thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, đó là tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách, từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời yêu cầu ngành Công thương cả nước chủ động khắc phục những yếu kém, luôn đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn mục tiêu đã đề ra; tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho lĩnh vực công thương nghiệp phát triển; tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất; kiểm soát nhập khẩu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước và thị trường nội địa, bảo vệ người tiêu dùng…
DUYÊN ANH
● Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành văn hóa năm 2015 vào ngày 31-12-2015 diễn ra tại 3 đầu cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong thành công chung của đất nước có đóng góp quan trọng, không thể thiếu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL); văn hóa đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, công bằng xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, ngành VH-TT&DL đã hoàn thành kế hoạch công tác năm 2015 và đạt được những kết quả tích cực. Về công tác quản lý di sản, năm 2015 có thêm 2 di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO ghi danh, nâng con số di sản được UNESCO ghi danh lên 22 di sản; 11 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 25 hồ sơ hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên cả nước được quan tâm đầu tư với 70 thiết chế văn hóa cấp tỉnh và 549 thiết chế văn hóa cấp quận, huyện, chiếm 78,2%...
Cũng trong năm 2015, Bộ VH-TT&DL ban hành cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sĩ, công nhận những đóng góp của những nghệ nhân dân gian với bảo tồn giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu cho 102 hồ sơ NSND, 617 hồ sơ NSƯT.
Về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai hiệu quả chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình” theo tinh thần Nghị quyết số 33 NQ/TW.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực mà ngành VH-TT&DL đã đạt được trong năm 2015. Phó Thủ tướng lưu ý: Phát triển VH-TT&DL không đơn thuần đạt được những con số doanh thu từ du lịch, hay thành tích, huy chương về thể thao, mà cốt lõi ở nhân tố con người.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và cả người dân cần có nhận thức đúng đắn, chuẩn mực về văn hóa. Đặc biệt, những người làm công tác văn hóa cần đi đầu trong vấn đề này, bởi từ nhận thức đúng mới có chính sách đúng, cơ chế khuyến khích đúng, cơ chế xử phạt đúng, nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những vi phạm. Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa ở tầm cao hơn, không dừng ở những khóa bồi dưỡng, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân trong các lễ hội…
NGỌC HÀ