.

Thưởng Tết để "giữ chân" lao động

.

Cứ đến gần Tết Nguyên đán là câu chuyện thưởng Tết lại nóng lên từng ngày với nhiều cung bậc cảm xúc. Thưởng Tết không chỉ là món quà sau một năm làm việc vất vả mà còn là cách để doanh nghiệp “giữ” lao động, nhất là lao động có tay nghề.

Sau một năm làm việc vất vả, người lao động mong có tiền thưởng Tết để trang trải chi phí, sắm sửa cho gia đình.
Sau một năm làm việc vất vả, người lao động mong có tiền thưởng Tết để trang trải chi phí, sắm sửa cho gia đình.

Vì sao mức thưởng thấp hơn năm ngoái?

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, thống kê tại 381 doanh nghiệp cho thấy mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm nay 200 triệu đồng/người, thuộc về một doanh nghiệp cổ phần, có vốn góp của Nhà nước.

Như vậy, đến thời điểm này so với năm ngoái, mức thưởng này thấp hơn 100 triệu đồng. Qua số liệu thống kê, tiền lương bình quân năm 2015 có 2 nhóm doanh nghiệp thấp hơn so với năm 2014 (nhóm công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp dân doanh) nhưng vẫn giữ được mức ổn định.

Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp cổ phần có vốn góp Nhà nước tăng 13,4% và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8%.

Theo kết quả khảo sát tiền thưởng Tết bình quân năm 2016 của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, hầu hết các nhóm doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết thấp hơn so với năm 2015. Bình quân tiền thưởng Tết Dương lịch 2016 thấp hơn so với năm trước 32,3% (1.099.000 đồng/1.623.000 đồng), trong đó nhóm công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, tiền thưởng bình quân giảm nhiều nhất 69,6%, nhóm doanh nghiệp dân doanh giảm 64,3%, nhóm doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước giảm 15,9%; riêng nhóm doanh nghiệp FDI bình quân thưởng Tết tăng gần gấp đôi so với năm 2015.

Bình quân tiền thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân nhìn chung cũng thấp hơn so với năm trước 32,2% (6.317.000 đồng/9.323.000 đồng). Trong đó, nhóm doanh nghiệp FDI có mức tiền thưởng bình quân giảm nhiều nhất 56,7%, nhóm Công ty TNHH MTV của Nhà nước giảm 20,1%; nhóm doanh nghiệp cổ phần có vốn góp Nhà nước giảm 18,6%. Duy nhất, nhóm doanh nghiệp dân doanh bình quân tiền thưởng Tết Nguyên đán tăng 19,9%.

Lý giải về vấn đề này, một cán bộ lâu năm trong ngành LĐ-TB&XH tại Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp vẫn duy trì mức thưởng, thậm chí thấp hơn một ít so với năm ngoái, chủ yếu ở các vị trí quản lý không phải do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn hay bị đình đốn.

“Doanh nghiệp còn lo nguồn dự phòng để chuẩn bị tăng lương cho người lao động theo lộ trình (từ ngày 1-1-2016). Đà Nẵng thuộc vùng 2 với mức 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với mức cũ). Đồng thời, mức đóng BHXH trong năm 2016 cũng tăng bởi tính đóng dựa trên cả các khoản phụ cấp (chứ không chỉ lương như trước)”, vị này cho biết.

Tết ấm cho người lao động

Như vậy, theo thống kê chưa đầy đủ tại 381 doanh nghiệp, nhìn chung mức thưởng có giảm tại những vị trí chủ chốt, nhưng lại tăng lên đáng kể đối với người lao động. Chẳng hạn, năm ngoái mức thưởng thấp nhất chỉ có 300.000 đồng/người thuộc về 1 doanh nghiệp cổ phần, có vốn góp của Nhà nước thì năm nay, chí ít mức thấp nhất cũng là 1.000.000 đồng/người.

“Bữa nay tuyển được lao động vào làm việc thật không dễ dàng, nhất là những lao động đã biết nghề, có nghề. Bởi vậy, doanh nghiệp phải tăng mức thưởng, thêm chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động, nhất là trong dịp Tết đến, lao động rất dễ bị biến động”, giám đốc một công ty dệt may ở quận Liên Chiểu bộc bạch.

Là một trong những đơn vị có số lượng lao động vào loại lớn ở Đà Nẵng với khoảng hơn 9.000 lao động, Công ty TNHH Điện tử Poster Đà Nẵng cũng đang lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự công ty này cho biết, phần lớn lao động ở công ty đều là người ngoại tỉnh nên doanh nghiệp đang lo cho người lao động có cái Tết đủ đầy để sum họp với gia đình.

“Chúng tôi vẫn thưởng 1,5 tháng lương cho người lao động. Tuy nhiên, lương tăng nên tất nhiên tiền thưởng cũng tăng hơn so với năm ngoái. Đồng thời, Công đoàn công ty cũng hỗ trợ thêm một phần quà trị giá 300.000 đồng cho mỗi người”, ông Lương nói.

Ông Ngô Văn Sang, Phó trưởng Phòng Lao động – tiền lương – bảo hiểm xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cho biết năm nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng theo khảo sát tại gần 400 doanh nghiệp thì ít có doanh nghiệp nào nợ người lao động lương (trong khi đó, theo khảo sát vào dịp cận Tết năm ngoái đã có 6 doanh nghiệp nợ lương hàng trăm lao động).

Dù số lao động được khảo sát chưa đầy đủ nhưng đây cũng được xem là tín hiệu đáng mừng bởi hầu hết người lao động đều được nhận lương và mức thưởng cao hơn hẳn năm ngoái. “Điều này cho thấy doanh nghiệp đã thực sự quan tâm và giữ lao động để họ gắn bó với doanh nghiệp”, ông Sang nói.

Bài và ảnh: Phương Trà

;
.
.
.
.
.