Đến giờ, người dân phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ tai nạn lao động xảy ra hồi đầu năm nay đã cướp đi sinh mạng của 6 công nhân đang làm việc tại công trình khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng. Nguyên nhân, do thang máy chở vật liệu xây dựng và công nhân bị trục trặc nên rơi tự do từ tầng 9 xuống đất.
Những công nhân trên công trình xây dựng nhà ở dân dụng, công nghiệp, cầu đường... luôn đối mặt với nguy cơ cao về tai nạn lao động. Cảnh người lao động phải đứng chênh vênh trên những giàn giáo đơn sơ, tạm bợ, hoặc làm việc trong tình trạng thiếu trang thiết bị an toàn vẫn diễn ra phổ biến.
Tại nhiều công trình xây dựng, điều dễ nhận thấy, phần lớn công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ hoặc nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ.
Anh Lê Công Tâm (45 tuổi, quê ở Quảng Nam), đã nhiều năm làm công nhân xây dựng tại nhiều công trình ở Đà Nẵng cho biết: “Tụi tôi đi làm chỉ nghĩ đến tiền lương chứ ít khi chú ý đến vấn đề an toàn cho bản thân. Đội mũ bảo hộ lao động, đeo dây đai rất vướng víu khó chịu. Hơn nữa, chủ đầu tư không trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân nên tụi tui cũng quên luôn”.
Không chỉ tại công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, tại một số công trình xây dựng cao tầng của các nhà thầu thi công có tiếng, chủ đầu tư lớn, tình trạng mất an toàn lao động, vi phạm quy định về an toàn lao động vẫn còn xảy ra.
Tuy nhiên, hầu hết các vụ tai nạn lao động, nhà thầu chủ yếu đền bù một khoản tiền nhỏ cho gia đình người bị nạn gọi là “bồi thường” rồi thôi. Hầu hết người lao động bị nạn đều là trụ cột chính trong gia đình nhưng các nạn nhân ít dám khiếu kiện.
Theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, từ năm 2011 đến đầu năm 2016, trên địa bàn đã xảy ra 57 vụ tai nạn lao động làm 61 người chết, 1 bị thương. Trong đó, riêng lĩnh vực xây dựng xảy ra 29 vụ làm 33 người chết, chiếm hơn nửa số người chết vì tai nạn lao động.
Bà Trần Thị Hồng Vân, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân đến từ hai phía. Thứ nhất do nhà thầu thi công, chủ đầu tư hầu như không quan tâm trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân nên đã để tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Thứ hai, hầu hết người lao động trong ngành xây dựng đều là lao động tự do nên thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và không biết cách tự bảo vệ cho mình khi làm việc tại các công trình xây dựng. “Khi chúng tôi đi kiểm tra, phần lớn các vụ việc xảy ra do thiếu sự giám sát chặt từ các nhà thầu. Ngoài ra, một bộ phận công nhân vẫn còn chủ quan, chưa ý thức hết việc bảo đảm an toàn cho chính mình”, bà Vân nói.
Năm nào các đoàn kiểm tra liên ngành đều kiểm tra từ 15-20 đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề thanh, kiểm tra việc thực hiện an toàn lao động tại các công trình đang thi công vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Thực tế, hiện nay, tại những nơi này, hầu hết các cuộc thanh, kiểm tra chủ yếu được tiến hành sau khi có tai nạn lao động xảy ra. “Cần có những cuộc thanh tra đột xuất, bất ngờ các công trình đang thi công và xử lý nghiêm các vi phạm. Có như vậy mới bảo đảm an toàn lao động cho công nhân”, một cán bộ trong ngành LĐ-TB&XH Đà Nẵng nói.
KIM NGÂN