Kinh tế

Quản lý thực phẩm Tết

Buông lỏng các hộ sản xuất nhỏ lẻ

08:18, 04/02/2016 (GMT+7)

Trong khi các địa điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn được các ngành chức năng kiểm tra liên tục về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, thì các hộ gia đình chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ lại “ung dung” tung hàng ra thị trường mà không lo bị giám sát.

Trong khi hàng Tết vào chợ, siêu thị được cơ quan chức năng “soi” rất kỹ thì thực phẩm chế biến tại một số cơ sở cá thể trong khu dân cư lại không được ngó ngàng.
Trong khi hàng Tết vào chợ, siêu thị được cơ quan chức năng “soi” rất kỹ thì thực phẩm chế biến tại một số cơ sở cá thể trong khu dân cư lại không được ngó ngàng.

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng về tình hình thanh tra, kiểm tra thực phẩm trước Tết vào sáng 3-2, bên cạnh thông báo thực trạng lâu nay hộ sản xuất cá thể trong khu dân cư “được”… bỏ qua khâu giám sát, các ngành và các địa phương còn nêu những bất cập trong quản lý VSATTP như không có tiền mua phương tiện test nhanh, mua mẫu thử, khó quản nguồn hàng từ nơi khác chuyển về Đà Nẵng bằng đường xe khách.

Được phép… không có giấy phép kinh doanh (!?)

Một thực trạng gây “đau đầu” trong công tác quản lý ATTP từ nhiều năm nay, nhất là vào dịp Tết, đó là các hộ sản xuất thực phẩm cá thể trong khu dân cư hầu như ít được kiểm soát. Mọi ràng buộc pháp lý với các cơ sở này chỉ dựa trên… một lời hứa!

Cảnh sát môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa qua đã kiểm tra đột xuất một hộ sản xuất chả cá trên đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), phát hiện cá chín để lẫn lộn với cá sống trên nền nhà. Hộ này làm chả cá để bán bún và phục vụ một lượng lớn chả ra thị trường. Không chỉ chế biến mất vệ sinh, việc dùng hóa chất độc hại làm măng và gà có màu vàng đẹp mắt cũng đang được các hộ sản xuất ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ sử dụng.

Theo các địa phương, những hộ sản xuất cá thể như trên được gọi là nhỏ, lẻ vì chỉ có từ 3-4 lao động trong gia đình phối hợp làm. Tuy vậy, lượng hàng của các hộ này bán ra trên thị trường rất lớn và thường xuyên được tiêu thụ như: chả cá, chả thịt, nước chấm, thực phẩm thủ công, v.v…

Trong khi đó, nhiều năm nay, cấp thành phố và cấp quận không quản lý nhóm cơ sở sản xuất này vì họ không nằm trong đối tượng có giấy phép kinh doanh nên được giao cho phường, xã giám sát. Lực lượng chức năng của phường, xã chỉ có “mắt trần, tay thịt” nên chỉ còn cách yêu cầu các hộ này… cam kết sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh.

Theo Quyết định số 23 của UBND thành phố Đà Nẵng, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm, v.v… trong khu dân cư sẽ không được cấp mới giấy đăng ký kinh doanh kể từ năm 2010, nhằm bảo vệ môi trường đô thị. Muốn tiếp tục sản xuất, chế biến mặt hàng này, các cơ sở phải di dời ra ngoài khu dân cư.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ vẫn tiếp tục mưu sinh với công việc này ngay tại nhà. Việc họ không có giấy phép đăng ký kinh doanh là hiển nhiên. Thêm vào đó, về quy định của ngành Công thương, cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh thì cũng không bắt buộc làm chứng nhận ATTP!

Tăng kinh phí cho hoạt động kiểm tra

Chỉ đạo cuộc làm việc với ngành Y tế, Công thương, NN&PTNT, Công an và các quận, huyện về ATTP dịp Tết vào sáng 3-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn Đà Nẵng phải làm chứng nhận ATTP, chứ không chỉ làm cam kết như lâu nay.

Đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ, Phó Chủ tịch thành phố đề nghị cấp quận, huyện phải vào cuộc kiểm tra, không thể chỉ giao cho phường, xã quản lý. Những cơ sở sản xuất, chế biến những ngành hàng không được phép hoạt động trong khu dân cư theo Quy định 23 của thành phố phải chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đi nơi khác. Ông Dũng yêu cầu các quận, huyện đến tháng 3-2016 phải báo cáo lộ trình chuyển đổi ngành nghề của các hộ dân này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo chiến dịch kiểm tra, giám sát ATTP không chỉ dừng vào ngày 6-2 (tức 28 tháng Chạp năm Ất Mùi), mà phải kéo dài đến rằm tháng Giêng, bởi tình hình VSATTP trong và sau Tết cũng phức tạp như trước Tết.

Để các ngành có kinh phí tăng thêm thiết bị, nhân lực, phương tiện kiểm tra VSATTP, thành phố đồng ý ứng cho 4 ngành Y tế, Công thương, NN&PTNT và Công an mỗi ngành 100 triệu đồng. Với các phòng y tế địa phương, ông Dũng yêu cầu UBND quận, huyện ứng cho mỗi phòng 50 triệu đồng lo việc giám sát thực phẩm Tết.

Một khó khăn khác được Công an thành phố nêu ra là nếu các lò mổ, chợ lớn, siêu thị được kiểm tra nguồn hàng khá chặt, thì hàng từ các nơi chuyển về Đà Nẵng bằng đường… xe khách chất lượng cao lại không thể kiểm soát.

Lý do là đa phần hàng “vô chủ”, chỉ có lái xe lơ mơ về hàng này. Việc lấy mẫu thử nghiệm cũng mất ít nhất 1-2 tuần mới có kết quả nên gây trở ngại trong vấn đề xử lý vi phạm. Vừa qua, Công an thành phố đã bắt 2 trường hợp xe chở hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vào Đà Nẵng phục vụ Tết.

Bài và ảnh: THU HOA

.