Mặc dù tỷ lệ nợ đọng thuế (không kể nợ tiền sử dụng đất) của Đà Nẵng được đánh giá là thấp so với bình quân chung của cả nước (4,97%), nhưng gần 917,2 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế, phí vẫn đang là con số đáng lo của những người làm công tác quản lý thu.
Ngành Thuế thành phố tổ chức ký giao ước thi đua năm 2016. |
Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố, đến cuối tháng 12-2015, tổng số nợ đọng thuế toàn ngành 1.849,5 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, nợ tiền sử dụng đất 932,38 tỷ đồng (chiếm 50,4% trên tổng nợ), giảm 159,88 tỷ đồng so với 31-12-2014; nợ thuế và phí, tiền phạt nộp chậm là 917,16 tỷ đồng.
Trong đó, nợ khó thu 385,3 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 522,8 tỷ đồng, nợ có khả năng thu 847,3 tỷ đồng. Hầu hết các đơn vị thu đều tăng nợ thuế so với cuối năm 2014, tăng thấp nhất là Chi cục Thuế quận Sơn Trà (3,6%), tăng cao nhất là Chi cục Thuế quận Hải Châu (71,9%).
Trong đó, khá nhiều doanh nghiệp (DN) có số nợ đọng lớn như Công ty CP FPT nợ tiền thuê khu đất phường Hòa Hải hơn 404 tỷ đồng, Công ty CP Trung Nam nợ 255,8 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư tài chính bảo hiểm dầu khí nợ 73 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng nợ 45,9 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tư vấn và xây dựng KID nợ 22,5 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV King Wines nợ 21,5 tỷ đồng… Tình trạng nợ thuế, phí của DN, tổ chức kinh tế có xu hướng tăng.
Do đó, việc truy thu nợ đọng luôn trở thành nhiệm vụ quan trọng và khó khăn đối với ngành Thuế và đây cũng là bài toán nan giải; không ít các DN chấp nhận vay ngân hàng để trả nợ, nhưng không ít DN phá sản vì không có khả năng trả nợ.
Điều đáng nói, số nợ đọng khó đòi rơi nhiều vào DN còn nợ thuế nhưng đã ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh và chờ xử lý như các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinaline, Vinashin...
Theo ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, với số nợ thuế là 4,97% (không kể nợ tiền sử dụng đất) thì đây là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cán bộ, công chức ngành Thuế thành phố trong tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, Cục Thuế đã ban hành hơn 10 văn bản yêu cầu các Chi cục Thuế, phòng chuyên môn tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nợ, cưỡng chế thu nợ trên địa bàn; triển khai đồng bộ, phối hợp nhiều biện pháp như thông báo nợ bình quân trên 9.000 lượt DN/tháng.
Cùng với đó là đẩy mạnh và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế đối với các trường hợp dây dưa, chây ỳ nộp thuế với 14.516 lượt cưỡng chế tài khoản; 666 lượt cưỡng chế hóa đơn, kê biên tài sản tại 18 lượt DN, đôn đốc thu nợ tại 1.702 lượt DN được 97,3 tỷ đồng, phối hợp với Kho bạc Nhà nước thu nợ qua thanh toán vốn xây dựng cơ bản 33,4 tỷ đồng, khai thác thông tin của bên thứ ba thu nợ được 6,2 tỷ đồng.
Một kết quả rất đáng ghi nhận là riêng trong năm 2016, tiền thuế thu nợ năm 2014 chuyển qua đã thu được 1.200 tỷ đồng. Cũng theo ông Miên, việc thu hồi nợ đọng thuế được triển khai đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các DN, không có “vùng cấm” đối với DN riêng nào. Ai nợ thì thu hồi, không phân biệt DN lớn hay DN nhỏ, DN nợ nhiều hay nợ ít, tất cả đều bình đẳng như nhau.
Hằng tháng, Cục Thuế đã thực hiện công khai thông tin của 200 DN nợ thuế lớn, dây dưa chây ỳ nộp thuế trên trang thông tin điện tử của ngành; đồng thời từng đơn vị, trên cơ sở chỉ tiêu giảm nợ thuế đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu thu nợ cụ thể cho từng cán bộ, từng bộ phận; bám sát doanh nghiệp tiến hành phân loại chính xác số thuế nợ, phân tích rõ nguyên nhân nợ thuế để linh hoạt xử lý nợ thuế có hiệu quả…
Bước vào năm 2016, với nhiều khó khăn thách thức phía trước, ngành Thuế thành phố đã triển khai công tác chống thất thu thuế đối với nhà hàng, khách sạn; đồng thời kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ đọng thuế theo đúng quy định pháp luật thuế; tiếp tục tổ chức thực hiện việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản; chỉ đạo các đơn vị tổ chức các đoàn đôn đốc thu nộp ngân sách tại cơ sở.
Bài và ảnh: Phương Uyên