Nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp thành phố chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy vậy, đến nay diện tích được chuyển đổi vẫn còn ít. Hầu hết diện tích đất lúa kém màu mỡ, không chủ động nước tưới nhưng vẫn canh tác lúa, hiệu quả kinh tế rất thấp.
Trồng chuối trên ruộng đất màu, hướng đi mới của nông dân Hòa Vang. |
Trồng rau, màu hiệu quả hơn lúa
Tại cánh đồng màu mỡ, chủ động nước tưới, canh tác lúa được mùa, thu hoạch 11-12 tấn/ha/năm. Với giá 5.000 đồng/kg thóc, mỗi héc-ta chỉ thu vỏn vẹn 55-60 triệu đồng, trừ chi phí lãi 15 triệu đồng là nhiều. Trong khi đó, trồng rau sạch, mỗi sào thu 25 - 30 triệu đồng/năm (tương đương 500-600 triệu đồng/ha), lãi trên dưới 300 triệu đồng/ha. So sánh giữa sản xuất lúa với các cây trồng khác, ông Nguyễn Thảo, Giám đốc HTX Hòa Tiến 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cho biết, HTX đã nhận thấy sản xuất rau, màu thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và đã tiến hành chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng rau, màu.
Tuy vậy, kết quả không mấy khả quan. Nguyên do người tâm huyết, gắn bó với cây rau, màu không nhiều. Với cây lúa, đầu vụ có máy làm đất, người ta chỉ việc gieo sạ, vài đợt bón phân, rồi đến ngày thu hoạch.
Còn sản xuất rau màu, nhất là trồng rau sạch, ngày nào cũng phải có mặt trên ruộng để chăm tưới. Điều này không phải ai cũng làm được. Trong khi, ở nông thôn đa số lao động lớn tuổi, nông dân canh tác theo kiểu giữ đất là chính, năng suất, thu nhập cao thấp không quan trọng. Và đây là trở ngại lớn nhất trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Ông Bùi Ngọc Cang, Giám đốc HTX Hòa Nhơn 3 so sánh: Cùng diện tích, nếu trồng lúa năng suất 10-11 tấn/năm, trị giá 50-55 triệu đồng. Trong khi trồng dưa hấu, vụ chỉ 2 tháng, năng suất 1,5 tấn/sào, thu 7,5 triệu đồng (150 triệu đồng/ha/vụ). Thu hoạch dưa hấu xong, trồng 1 đến 2 lứa khổ qua, hoặc dưa leo, bí xanh, mỗi sào thu chừng 10-12 triệu đồng nữa. So với trồng lúa, sản xuất rau màu, hiệu quả kinh tế cao hơn chục lần.
Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Từ thực tế nêu trên, thấy rằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hòa Vang là yêu cầu hết sức bức thiết. Tại địa phương này, cần phải giảm thấp nhất diện tích trồng lúa. Có thể chỉ quy hoạch khoảng hơn 1.000ha tại các xã đồng bằng và trung du để canh tác loại lúa cho gạo chất lượng cao.
Diện tích còn lại, cần chuyển sang trồng các loại cây rau màu. Diện tích rau như hiện nay là quá ít, cần phát triển gấp 4-5 lần. Ngoài ra, cần có chủ trương đưa các loại cây ăn quả ngắn ngày như chuối, đu đủ, ổi... trồng tại ruộng. Cùng theo đó, chuyển việc trồng lúa tại các cánh đồng diện tích nhỏ, ít chủ động nước sang trồng cỏ nuôi bò cũng là giải pháp nên triển khai.
Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, thời gian tới, huyện tập trung đầu tư cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở quy hoạch phát triển 3 vùng chính, đó là vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng rau, màu chuyên canh diện tích lớn và vùng trồng hoa...
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu