Tại “Diễn đàn Du lịch Đà Nẵng mùa xuân 2016” diễn ra chiều 25-3 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, cùng sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành và 250 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố cho thấy nhiều vấn đề cần tháo gỡ để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Khách du lịch nước ngoài tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng. |
Còn nhiều hạn chế và thách thức
Báo cáo đề dẫn của Sở VH-TT&DL nêu rõ, trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 20,14%/năm (so với tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch cả nước giai đoạn này là 13%/năm), tổng doanh thu du lịch tăng bình quân 30,7%/năm (so với cả nước là 25%). Năm 2015, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt 4,68 triệu lượt, đứng thứ 4 so với các địa phương khác trong cả nước.
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch hiện có mới chủ yếu phục vụ khách du lịch nội địa, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng hướng tới thị trường khách quốc tế. Dịch vụ vui chơi giải trí về đêm vẫn còn đơn điệu. Môi trường du lịch vẫn còn tồn tại các vấn đề an ninh trật tự xã hội; tình trạng bán hàng rong, ăn xin trá hình xảy ra tại một số điểm tập trung đông khách du lịch.
Hoạt động lữ hành chui, trái phép của một số doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài vẫn còn. Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, chất lượng một số dịch vụ tại nhà hàng điểm đến chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nguồn nhân lực tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu và chưa chuyên nghiệp. Chưa có sự kết nối để hình thành các gói sản phẩm có sức cạnh tranh cao cũng như tạo sức mạnh chung trong xúc tiến quảng bá điểm đến…
Về thực trạng nguồn nhân lực du lịch, Th.S Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Úc cho rằng, nguồn nhân lực trong du lịch còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng, bản thân lao động đang được sử dụng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, ngoại ngữ. Lao động ở vị trí quản lý, điều hành trong khách sạn rất khó tuyển dụng.
Về nguyên nhân, ông Đặng Phúc Sinh cho rằng do chưa chú trọng đến nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, một số khung chương trình dạy không dựa trên nhu cầu thực tiễn các ngành nghề từ cơ sở lưu trú, doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhưng đóng vai trò khai thác hơn là nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Vì sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp du lịch có những đề xuất, ý tưởng mới trong việc phát triển du lịch Đà Nẵng. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) đưa ra kiến nghị về thu hút khách du lịch mùa thấp điểm (từ tháng 9 đến tháng 2 hằng năm).
“Nên triển khai các chính sách ưu đãi thiết thực đối với các đối tượng khách như miễn phí chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền đối với các đoàn khách từ 50 khách trở lên; ưu tiên giảm giá vé tham quan tại các điểm thuộc quản lý của thành phố; mạnh dạn triển khai chính sách miễn lệ phí visa và đơn giản hóa thủ tục qua hệ thống điện tử hay thực hiện ngay tại cửa khẩu khi bay trực tiếp đến Đà Nẵng; chủ động tổ chức nhiều sự kiện phù hợp với khách du lịch vào mùa thấp điểm…”, ông Tùng kiến nghị.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng đề xuất phải đầu tư cảng biển chuyên dụng và phải có được những sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc văn hóa của Đà Nẵng cũng như xác định rõ nguồn khách chính của Đà Nẵng; từ đó xúc tiến những thị trường tiềm năng. Đồng thời, Đà Nẵng phối hợp với tỉnh Quảng Nam để nâng tầm cửa khẩu Đak Ốc thành cửa khẩu quốc tế, nhanh chóng hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc nối Đà Nẵng với các tỉnh lân cận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng là ẩm thực. Ẩm thực của Đà Nẵng đa dạng nhưng lại không hình thành được một sản phẩm du lịch cụ thể, thiếu những địa điểm cho khách hạng sang.
Vì vậy, cần có những trung tâm đào tạo đầu bếp bài bản, chuyên nghiệp cũng như xây dựng thư viện các món ăn ngon xưa và nay, kết hợp với các nhà xuất bản cho ra những cuốn sách về những món ăn ngon của Đà Nẵng; quy hoạch khu phố ẩm thực, giới thiệu văn hóa địa phương, xây dựng tour du lịch ẩm thực ở Đà Nẵng, mở chuỗi nhà hàng Đà Nẵng ở những thành phố có đường bay thẳng… ở nước ngoài.
Kết luận tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải tập trung xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch, phải là vị chủ nhà thân thiện, mến khách.
Trong đó, cần triển khai các giải pháp chống chèo kéo khách, chống phá giá trong hoạt động du lịch, giữ được mặt bằng giá của các cơ sở, nhà hàng. Hiệp hội Du lịch xây dựng bộ quy tắc kinh doanh và các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện.
Sở Công thương rà soát, phân loại các nhà hàng chưa đạt chuẩn và phải có chế tài đối với những trường hợp không chấp hành. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL cần ứng dụng công nghệ thông tin như bản đồ du lịch chung của thành phố, cập nhật thông tin thường xuyên cho du khách; tăng cường quản lý thông tin qua trang mạng xã hội để tiếp nhận phản ảnh của du khách. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa riêng, xây dựng chuỗi nhà hàng ẩm thực của Đà Nẵng để tạo nên sự khác biệt; xây dựng chuỗi sự kiện bằng hình thức xã hội hóa…
Mục tiêu phấn đấu đến 2020 đón được 8 triệu lượt khách, trong đó 2 triệu lượt khách quốc tế, 6 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch đạt 27.400 tỷ đồng, Đà Nẵng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng thông qua việc hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của khách; nâng cao nhận thức cộng đồng, giữ gìn môi trường du lịch thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng nhanh và bền vững; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ… |
Bài và ảnh: Thu Hà