“Đà Nẵng không ồ ạt đóng tàu mà chú trọng vào chất lượng. Làm sao, mỗi con tàu ra khơi đều thu nhiều hải sản và mang về nguyên vẹn giá trị…”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết.
Tàu vỏ thép của ông Trần Văn Mười dự kiến hạ thủy sáng 10-3. |
Sáng 10-3, tàu cá vỏ thép đầu tiên của thành phố đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ về cho vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ chính thức hạ thủy. Tàu do ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) làm chủ, với tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng.
Tàu có chiều dài 31m, chiều ngang 7,5m, mớn nước cao 4m, với công suất 822CV, thiết kế giàn đèn cao áp hiện đại gồm 200 bóng. “Sau khi hạ thủy, tàu sẽ làm nghề chụp mực tại ngư trường phía nam Hoàng Sa và ngư trường Trường Sa. Với thiết kế hiện đại, tàu có thể chịu sóng gió lớn, đi biển dài ngày, có thể góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển”, ông Trần Văn Mười cho biết.
Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, sau 18 tháng Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu lực, thành phố Đà Nẵng có 5 tàu đã và đang đóng mới, trong đó có 4 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ. Ngoài tàu vỏ gỗ của ông Lê Văn Nhắn (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã ra khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và tàu vỏ thép đầu tiên của ông Trần Văn Mười sẽ hạ thủy vào ngày 10-3, tàu của các ông Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), Lê Văn Sang, Nguyễn Văn Tuấn (quận Hải Châu) đang được đóng mới.
Với Nghị định 67, hầu hết người dân, doanh nghiệp đăng ký đều chọn tàu vỏ thép; bởi tàu vỏ thép có nhiều tiện ích vượt trội và nếu biết áp dụng khoa học-kỹ thuật trong khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Tuy chỉ tiêu đóng mới của Đà Nẵng theo Nghị định 67 còn thấp (chỉ 11%, trong khi cả nước 17%), song từ khi Nghị định 67 có hiệu lực đến nay, Đà Nẵng đã đóng mới 22 chiếc, trong đó có 1 chiếc đóng theo chính sách ưu tiên của thành phố, đó là trường hợp của bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) và 16 chiếc đóng theo Quyết định 47/2014/QĐ-UBND thành phố Đà Nẵng về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác và dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Với quyết định này, ngư dân đóng tàu trên 400CV - 800CV sẽ được hỗ trợ các mức từ 500-800 triệu đồng. Nhiều ngư dân cho rằng, đóng mới theo Quyết định 47 của thành phố có nhiều thuận lợi hơn Nghị định 67, bởi vốn đóng tàu ít hơn, sau khi hạ thủy thì được thành phố hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Đỗ Tám cho rằng, chủ trương của thành phố là khuyến khích ngư dân đóng mới, nhưng không ồ ạt. Đà Nẵng đang tập trung đầu tư chất lượng cho ngư dân, làm sao áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong khai thác.
Bên cạnh đó, phải có hệ thống cấp đông hiện đại để bảo quản tốt hải sản đánh bắt, khi đưa về bờ còn nguyên chất lượng, không bị ép giá. Đà Nẵng cũng đang tập trung đầu tư cho ngành dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm đủ cơ sở vật chất như tiến hành nâng cấp hạ tầng giao thông; xây dựng mái che tại các cầu cảng, không để ánh nắng làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm, cá…
Theo Chi cục Thủy sản, ngoài 5 tàu “67” đã và đang đóng, hiện còn 12 tàu của 1 cá nhân và 3 tổ chức gồm: ngư dân Đào Nguyễn Minh Tâm (1 tàu vỏ thép), Công ty Sao Đỏ (7 tàu vỏ thép), Doanh nghiệp Vinh Hoa (2 tàu vỏ thép) và Doanh nghiệp Lộc Biên (2 tàu vỏ thép) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi hồ sơ sang các ngân hàng tiến hành thẩm định. “Các doanh nghiệp nói trên đều đáp ứng đủ tiêu chí đề ra của nghị định. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào ngân hàng thẩm định trước khi cho vay. Song, hy vọng trong năm 2016 này sẽ có thêm nhiều tàu “67” được đóng mới để vươn khơi”, ông Tám cho biết thêm.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ