.

Hợp tác đầu tư làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào

.

Sáng 27-3, tại Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavat đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào năm 2016.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước, lãnh đạo các bộ, ngành, UBND một số tỉnh, thành và hơn 300 doanh nghiệp đến từ hai nước Việt Nam - Lào. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ dự và có bài phát biểu chào mừng. Đây là dịp để Chính phủ hai nước đánh giá kết quả hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào 5 năm qua, hướng tới mục tiêu hợp tác và phát triển giai đoạn 2016- 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavat đồng chủ trì hội nghị. 										ảnh: Thành Lân
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavat đồng chủ trì hội nghị. ảnh: Thành Lân

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh trình bày tại hội nghị cho biết, 5 năm qua, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào tiếp tục tăng cả về số lượng và quy mô dự án. Đến nay, đã có 258 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp phép đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, tăng 1,3 lần về số dự án và hơn 1,2 lần về tổng vốn đầu tư.

Lào là quốc gia đứng đầu trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều đạt hơn 1,1 triệu USD, tăng 2,3 lần so với năm 2010. Hai nước cũng đã đẩy mạnh hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, nhiều dự án đi vào hoạt động mang lại hiệu quả cao, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Lào, được Chính phủ Lào đánh giá cao.

Tiêu biểu như các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành… Các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào đã tạo việc làm cho khoảng 4 vạn lao động của Lào.

Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào ngày càng thuận lợi, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn và tiềm năng phát triển của hai nước. Kết quả hợp tác kinh tế 5 năm qua góp phần tăng thu ngân sách Lào khoảng 250 triệu USD mỗi năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ khoảng 70 triệu USD giúp Lào triển khai các hoạt động y tế, giáo dục, xây dựng nhà cho đồng bào nghèo ở các vùng khó khăn.

Thời gian qua, trên cương vị Chủ tịch Phân ban và Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ của Việt Nam và Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat đã chỉ đạo sát sao các chương trình hợp tác về trao đổi thông tin, đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn cho từng dự án, thiết lập các tổ công tác hỗn hợp để rà soát, đánh giá, phân loại các dự án đầu tư.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavat cảm ơn các nhà đầu tư Việt Nam chọn Lào là vùng đất đầu tư lâu dài; đồng thời đề nghị thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng các dự án hướng đến lợi ích cộng đồng như y tế, giáo dục…

Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavat cho rằng, hiện nay Lào cần đầu tư về giáo dục vì có rất nhiều trường học xuống cấp, học sinh phải đi học rất xa, thậm chí sang Thái Lan học; về y tế, Việt Nam nên giúp Lào đầu tư xây dựng bệnh viện có trang thiết bị hiện đại...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và nhà đầu tư Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn đẩy mạnh hợp tác đầu tư sang Lào. Phó Thủ tướng lưu ý các nhà đầu tư Việt Nam chú trọng các dự án mang lại lợi ích cho cả hai bên, không đầu tư các dự án gây tác động xấu đến môi trường.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, thắt chặt mối tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần phải xem thành công của doanh nghiệp Việt Nam chính là thành công của Lào và thành công của Chính phủ Việt Nam và ngược lại.

Chính vì vậy, bám vào Nghị quyết Đại hội lần thứ 9 của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về mục tiêu, giải pháp để có định hướng về đầu tư; đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Việt Nam ở Lào và Lào ở Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng NDCM Lào, chúng ta hướng vào đầu tư danh mục những công trình có hiệu quả, kể cả vốn ODA, FDI vào những vùng khó khăn của Lào. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh tế sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam- Lào”.

Thành Lân

;
.
.
.
.
.