Ngày Nước thế giới (22-3) năm nay, Ủy ban về nước Liên Hợp Quốc (UN-Water) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức các hoạt động kỷ niệm với mục đích thúc đẩy các quyền tại nơi làm việc, khuyến khích các cơ hội làm việc bền vững, tăng cường bảo vệ và đối thoại về các vấn đề liên quan đến việc làm.
Hưởng ứng ngày “Nước và việc làm” năm 2016, Đà Nẵng kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và ra quân dọn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước ở các hệ thống ao, hồ. |
1,5 tỷ người làm việc liên quan đến nước
Chủ đề tuyên truyền Ngày Nước thế giới năm 2016 là làm thế nào để cả 2 vấn đề “Nước và việc làm” đều có sức mạnh tác động thay đổi cuộc sống của người dân: Nước là trung tâm của cuộc sống và việc làm bền vững có thể đem lại thu nhập, mở đường cho tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế.
Hiện nay, thế giới có khoảng 1,5 tỷ người đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến nước và hầu hết các công việc của họ đều phụ thuộc vào nguồn nước. Tuy nhiên, hàng triệu người làm các công việc liên quan đến nguồn nước lại không được công nhận hoặc không được bảo vệ bởi các quyền lao động cơ bản.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), nước và vệ sinh môi trường cũng có tác động mạnh mẽ tới đời sống và sức khỏe của người lao động. Thống kê cho thấy, có khoảng 2 triệu người chết vì các yếu tố liên quan đến công việc xảy ra hằng năm.
Trong số đó, 17% có liên quan đến nước (nước uống chất lượng kém, vệ sinh kém và thiếu các kiến thức liên quan). Chính vì vậy, việc đáp ứng các dịch vụ cơ bản về nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân tại nhà và nơi làm việc sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội với chất lượng dân số và lực lượng lao động khỏe mạnh.
Nguồn nước có ảnh hưởng đến đời sống của người lao động thông qua sự đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng nước. Bên cạnh đó, nước có khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm, có thể đóng góp vào một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Ngày Nước thế giới diễn ra trong hoàn cảnh nước ta đã có tình trạng hạn hán đang diễn ra ngày một trầm trọng thì những ngày như thế này cũng là cơ hội để phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường và ra sức tiết kiệm nước.
Đà Nẵng đầu tư 5,5 tỷ đồng chống hạn
Ở Đà Nẵng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ xảy ra ngày càng khốc liệt. Theo dự báo tình trạng này kéo dài đến hết tháng 9-2016. Nước phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm đang gặp thách thức.
Theo đó, diện tích sản xuất lúa của Đà Nẵng năm 2016 dự kiến khoảng 5.403ha. Trong đó vụ đông xuân 2.861,5ha (nước tưới từ hồ, đập 1.151ha; từ trạm bơm 1.414,5ha; từ các biện pháp khác 296ha). Kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2.534ha (nước tưới từ hồ, đập 1.190ha; từ trạm bơm 1.291ha; từ các biện pháp khác 53ha). Thành phố đã phải đầu tư trên 5,5 tỷ đồng để phòng chống hạn cho sản xuất nông nghiệp.
Đà Nẵng cũng đang ứng phó với tình hình các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia thiếu hụt nước, dòng chảy về hạ lưu giảm, dẫn đến nhiễm mặn, thiếu nước... Do đó, nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 849ha đất nông nghiệp ở hạ lưu đập dâng An Trạch.
Theo quy hoạch sử dụng nước ở thành phố Đà Nẵng, đến năm 2020 nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cần 110 triệu m3/năm, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp 90 triệu m3/năm và 26 triệu m3/năm để phục vụ sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Đà Nẵng là địa phương không giàu về tài nguyên nước và đang phụ thuộc vào nguồn nước từ lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Tuy nhiên, nguồn nước này đang bị tác động bởi tình trạng xây dựng các hồ đập thủy điện bậc thang ở thượng nguồn và sử dụng, điều tiết chưa hợp lý.
Nhân Ngày Nước thế giới 22-3, Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động thiết thực để kêu gọi cộng đồng chung sức bảo vệ nguồn nước. Qua đó nâng cao ý thức của cộng đồng hành động bằng những việc làm thiết thực bắt đầu từ sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ môi trường, sử dụng nước hợp lý ở mọi lĩnh vực.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG