.

Nhà nông làm giàu từ Internet

.

Nếu như nhiều năm trước đây, người nông dân còn khá xa lạ với mạng Internet, thì hiện nay, không ít người nhờ học hỏi kiến thức qua mạng mà “ăn nên làm ra”. Chuyện nhà nông “lướt web” để làm kinh tế cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm dường như không mấy xa lạ nữa.

Nhờ kết nối thị trường qua mạng, người nông dân đã tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Nhờ kết nối thị trường qua mạng, người nông dân đã tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Tìm mô hình mới

Vụ hoa Tết vừa qua rất nhiều nông dân ở huyện Hòa Vang thua lỗ do thời tiết thất thường, nhưng ông Nguyễn Phú Phúc (thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến) lại thu lãi lớn. Vườn hoa của ông được các đầu mối tìm đến mua, chở đến đâu bán hết đến đó do hoa nở đều, đẹp và đúng ngày.

“Mùa hoa Tết năm nay, tôi thu lãi được 35 triệu đồng, đủ sắm cái Tết cho gia đình. Tôi tìm hiểu tình hình thời tiết qua mạng, học cách bón phân, phòng chống sâu bệnh nên vườn hoa không bị hư hại nhiều”, ông Phúc nói.

5 năm gắn bó với nghề trồng hoa, ngoài những buổi tập huấn do xã, huyện tổ chức, ông Phúc còn tranh thủ học hỏi thêm kiến thức qua mạng. Từ chỗ xa lạ với con chuột, bàn phím thì nay ông khá sành sỏi khi truy cập các trang mạng xã hội, công cụ tiềm kiếm như Google, Facebook... Ông Phúc đang tìm hiểu nhiều mô hình trồng hoa trên mạng để cấy giống 2 loại hoa mới (loa kèn và cẩm chướng) cũng như nhiều loại cây cảnh chưng trong nhà để bán cho các khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp (đu đủ, mận, ổi, dưa leo).

Về các xã ở huyện Hòa Vang, không khó tìm các bác nhà nông quen “chân lấm tay bùn” nay lại “lướt web” đều đặn mỗi ngày. Nhiều trang thông tin điện tử nông nghiệp như khuyến nông, bạn nhà nông, nông nghiệp Việt Nam… luôn là “người bạn đồng hành” để họ nắm bắt các tin tức thời sự, các kiến thức khoa học, khuyến ngư, khuyến nông, tình hình dịch bệnh, cơ cấu mùa vụ...

Có nông dân còn nối mạng về tận nhà để tiện lợi cho con cái học hành mà mình cũng được học kiến thức làm nông. Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến cho hay, ngoài việc tìm hiểu kiến thức qua mạng, nhiều nông dân ở xã còn tìm mô hình mới để phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế cho gia đình.

“Người nông dân bây giờ không còn thụ động nữa mà đã biết chủ động tìm tòi, học hỏi qua mạng để bổ sung kiến thức nghề nông. Nắm chắc kiến thức nông nghiệp, họ sẽ chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi cũng như nhạy bén và mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, ông Quang nói.

 Theo ông Quang, từ khi huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình sản xuất mới nhờ học qua mạng cũng ra đời đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng nấm, nuôi chim cút, trồng rau sạch... Nhờ “lướt web”, không ít người làm quen với các bạn nhà nông trên khắp cả nước để “mách” cho nhau cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giúp nhau làm giàu cho gia đình và địa phương.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Ngoài việc tìm hiểu kiến thức trên mạng, hiện nay không ít nhà nông “lướt web” để tìm đầu ra cho sản phẩm. Với lượng người truy cập mạng xã hội (như Zalo, Facebook) ngày càng tăng thì rất nhiều sản phẩm của người nông dân được người tiêu dùng biết đến như rau sạch, hoa, cây cảnh… “Trăn trở lớn nhất của người làm nông chính là tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thay vì ngồi chờ đợi “mối lái” của ngành nông nghiệp, nông dân sản xuất rau có thể “lướt web” để quảng bá và bán sản phẩm của mình. Điều này sẽ giúp người nông dân không bị lúng túng trong khâu tiêu thụ và bị tư thương ép giá”, anh Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Rau La Hường cho hay.

Theo anh Hoàng, hiện nay thương hiệu rau La Hường có mặt trên quầy của nhiều cửa hàng rau sạch, cửa hàng thực phẩm trong địa bàn thành phố cũng một phần do quảng bá qua mạng. Nhờ mạng Internet, rau sạch La Hường được nhiều người tiêu dùng biết đến giúp người nông dân yên tâm về đầu ra cũng như đầu tư mở rộng sản xuất.

Không ít những mô hình sản xuất trên mạng được người nông dân nhân rộng, tạo sự lan tỏa rộng rãi. Qua thư điện tử, mạng xã hội, những “nhà nông thời @” tìm hiểu thị hiếu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng để mạnh dạn quảng bá sản phẩm của mình lên Internet.

“Không ít sản phẩm của nông dân quận Cẩm Lệ được đưa lên các trang mạng xã hội và đây được coi là cách quảng bá hữu hiệu giúp kết nối thị trường ở nhiều nơi trên cả nước để tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Lê Văn Phiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ chia sẻ. Theo ông Phiếu, nhờ tìm hiểu thông tin thị trường trên mạng, người nông dân sẽ không bị động, trông chờ vào sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp hay bằng lòng với điệp khúc “được mùa - mất giá” như xưa nữa.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.