Kinh tế
Thiếu nhân lực, tàu vỏ thép vẫn nằm bờ
Sau 19 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, số tàu cá đóng mới từ chính sách ưu đãi của Nghị định này trên địa bàn thành phố còn quá ít. Bên cạnh các yếu tố khác, nguồn nhân lực cũng tác động đến thực trạng này.
Lao động trên các tàu cá ở Đà Nẵng đang rất thiếu. |
Trong số 5 tàu đóng mới (4 tàu vỏ thép, 1 tàu gỗ), từ chính sách ưu đãi của Nghị định 67, thành phố Đà Nẵng mới hạ thủy 2 chiếc (1 tàu vỏ thép, 1 tàu gỗ). Số còn lại dự kiến sẽ hạ thủy trong năm nay.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khó khăn lớn nhất là khâu vốn đã được giải tỏa, khi chủ tàu được các ngân hàng giải ngân cho vay số tiền lớn, thời gian dài, lãi suất thấp. Ngoài ra, nhiều chính sách ưu đãi khác đã đáp ứng kỳ vọng của đông đảo ngư dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực lao động trên biển.
Sau hơn chục ngày hạ thủy, tàu cá vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng đóng theo Nghị định 67 vẫn neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang. Ông Trần Văn Mười, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, chủ tàu cá vỏ thép ĐNa 90777 TS, công suất 822 CV lo lắng vì không tuyển đủ 20 thuyền viên trên tàu để kịp ra khơi chuyến đầu tiên như đã hứa.
Anh Mười tâm sự: “Có vốn vay ưu đãi, đóng được tàu vỏ thép không khó. Cái khó nhất là làm sao để tàu hoạt động hiệu quả trên biển. Để hoạt động hiệu quả, yếu tố quyết định là con người. Kinh nghiệm nhiều năm đi biển cho thấy, với ngư dân hễ có thu nhập cao thì đi tiếp, bằng không họ chia tay tàu, lên bờ tìm việc khác. Để có 20 lao động lành nghề, gắn bó với biển cho tàu vỏ thép này quả không đơn giản. Đang tính, sẽ trả lương cho mỗi lao động 15 triệu đồng/tháng, may ra có người gắn bó với tàu”.
Cũng như anh Mười, nhiều thuyền trưởng, chủ tàu khác cũng có nỗi niềm tương tự. Ai nấy đều cho rằng, nguồn nhân lực lao động trên biển là khó khăn nhất. Đây là trở ngại cơ bản không chỉ của “tàu 67” mà cả đội tàu đánh bắt xa bờ từ chính sách ưu đãi vốn của thành phố Đà Nẵng trước đây.
Đội tàu công suất lớn của Đà Nẵng phát triển chậm chủ yếu do thiếu nhân lực đi biển. Nói về thực trạng này, ông Lê Văn Ninh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90172 cho biết: “Trước đây còn gọi người Quảng Nam, Quảng Ngãi đi biển cùng mình. Nay tại các địa phương này, đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển mạnh, họ về quê hết. Không ít chuyến lo đủ mọi thứ, cuối cùng thiếu người đành nằm bờ. Có chuyến cho họ ứng tiền rồi, do vướng mắc chuyện gia đình, họ ở nhà, mất luôn cả tiền cho ứng. Không giải quyết được khâu nhân lực đi biển ổn định, rất khó mạnh dạn đóng tàu công suất lớn”.
Giải bài toán về nhân lực đi biển bằng cách nào? Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ cho ngư dân mà cho cả chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cụ thể là Sở NN&PTNT.
Ông Trần Văn Mười cho rằng: “Để ngư dân tự “bơi” trong việc giải quyết khâu nhân lực đi biển thì còn lâu “tàu 67” mới hạ thủy như kế hoạch đề ra. Vấn đề này, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần phải vào cuộc. Quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Đà Nẵng. Thành phố cũng có chính quyền cấp huyện quản lý quần đảo này.
Hiện nay mỗi năm có hàng trăm bộ đội phục viên, xuất ngũ. Chọn lựa trong số đó đào tạo các nghề trên tàu cá vỏ thép để họ xuống đội tàu 67, coi đó là nghề lâu dài. Có lực lượng này trên các tàu cá vỏ thép không chỉ đánh bắt hiệu quả mà quan trọng hơn góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...”.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu