.

Thu mua ve chai sau Tết

.

Len lỏi khắp ngõ hẻm, đường phố tìm mua những loại phế liệu như vỏ lon bia, nước ngọt, thùng giấy carton... để bán lại kiếm lời, những người sống bằng nghề mua bán ve chai dạo luôn tất bật với cuộc sống mưu sinh, nhất là sau Tết.

Bà Lê Thị Liên xếp loại phế liệu sau khi mua.
Bà Lê Thị Liên xếp loại phế liệu sau khi mua.

Nghề mua bán ve chai dạo với thu nhập không cao nhưng là “miếng cơm, manh áo” của rất nhiều người nghèo. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, những người làm nghề mua bán ve chai dạo rong ruổi khắp các nẻo đường từ công viên, chợ... đến các khu đông dân cư để thu mua phế liệu.

Trong mắt họ, tất cả những thứ được xem là bỏ đi như sắt thép vụn, chai lọ, vỏ lon bia, giấy loại... đều được quy thành tiền. Đến cuối ngày, họ tập trung tại các điểm thu mua ve chai, bán lại kiếm lời.

Với thâm niên trong nghề mua bán ve chai gần 20 năm, bà Lê Thị Liên (trú đường Nguyễn Hoàng, Đà Nẵng) chia sẻ: “Một mình tôi phải chèo chống nuôi chồng bị bệnh nan y, cháu nhỏ tật nguyền, bản thân năm nay cũng đã 48 tuổi, nhưng vẫn phải cố bám lấy cái nghề ve chai để mưu sinh hằng ngày.

Biết là kiếm sống thì nghề nào cũng nặng nhọc, nhưng nghề mua bán ve chai dạo được cái ngày nào cũng làm được, không theo thời vụ, đặc biệt là không cần vốn đầu tư, chỉ cần mình kiên trì và có sức khỏe là làm được. Nhiều hôm gặp may, tôi kiếm được 100.000 - 150.000 đồng. Hôm mua được ít, thì cũng kiếm được vài chục ngàn đồng để đong gạo”.

Dáng người nhỏ bé, gương mặt già dặn vì nắng mưa, ngồi xếp đống giấy bìa carton và vỏ lon bia, thỉnh thoảng lại đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị Lê Thị Tiến (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết, chị sống với nghề mua bán ve chai đã hơn 10 năm. Công việc của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng, đạp xe từ phòng trọ đến các ngõ ngách của thành phố để mua ve chai.

Chị bảo: “Sau Tết bao giờ cũng là mùa làm ăn. Mình phải đi sớm một phần sợ người khác đến trước mua hết, phần khác lo người bán đi làm, không mua được. Cũng có khi lại được họ cho vỏ lon thay lì xì đầu năm mới”.

Bà Nguyễn Thị Hợp (50  tuổi, quê Quảng Nam) tâm sự: “Trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm “ăn nên làm ra” của những người mua bán ve chai. Nếu ngày thường mua được 1 thì những ngày sau Tết phải mua được gấp hai, ba lần... Bình thường 1 vỏ lon bia mua với giá 200 đồng, những ngày sau Tết chỉ mua 100 đồng, thậm chí nhà chủ gọi tới cho không. Nếu chịu khó đi, mua được nhiều thì mỗi ngày cũng kiếm được dăm bảy chục, một trăm nghìn đồng”.

Thu mua ve chai là việc mưu sinh hằng ngày của người nghèo. Mặc dù mức thu nhập không cao, song ngoài kiếm miếng cơm manh áo, họ còn góp phần làm cho môi trường thành phố sạch, đẹp.

Bài và ảnh: NGÔ KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.