Là địa phương có số hộ dân di dời giải tỏa, mất đất canh tác lớn, quận Ngũ Hành Sơn xây dựng đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm đối với nông hộ không còn đất sản xuất giai đoạn 2011-2020”; từ đó bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Anh Huỳnh Bá Dũng tại vườn cây cảnh của mình. Anh Huỳnh Bá Dũng tại vườn cây cảnh của mình. |
Hơn 80 dự án đã và đang triển khai trên phạm vi rộng lớn, nhiều năm nay, biết bao làng quê nghèo ở quận Ngũ Hành Sơn nhường chỗ cho các khu đô thị khang trang, hiện đại. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, cùng với việc hình thành các khu đô thị mới, hàng nghìn gia đình đã bỏ lại sau lưng nếp sống nhà nông, vững tin bước vào đời sống thị dân bằng các hoạt động kinh tế mới mẻ, thu nhập cao hơn trước đây.
Cách đây khoảng 6-7 năm, gia đình ông Lê Trà, khu vực An Nông, phường Hòa Hải tá túc trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Khu vườn khá rộng, nhưng chẳng trồng cấy được gì. Mặc dù rất nỗ lực canh tác trên 4 sào ruộng, song thu nhập chẳng đáng là bao, cái nghèo cứ bám riết cuộc sống của họ.
Thế mà nay, gia đình này là chủ nhân ngôi nhà 3 tầng khang trang, trong dãy phố sầm uất mặt tiền đường Trường Sa, thuộc tổ 124 phường Hòa Hải. Đổi thay đó là nhờ chính sách giải tỏa đền bù của thành phố, được giao đất tái định cư mặt tiền đường lớn; các thành viên trong gia đình đều có việc làm, thu nhập ổn định.
Nói về cuộc sống hiện tại, vợ ông Lê Trà cho biết, sau giải tỏa, mất đất canh tác cũng khó khăn lắm; nhưng rồi được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giới thiệu việc làm, cả 2 vợ chồng, người làm ở sân golf, người làm ở khu nghỉ mát, thu nhập cũng khá. Năm nào cũng vậy, quận đều tổ chức 1 đến 2 hội chợ việc làm. Cùng theo đó, việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề triển khai đến từng khu dân cư. Ngay cả vốn để mở cơ sở sản xuất cũng được tạo cơ hội để vay. Nhờ vậy, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, nhiều người kiếm được việc làm.
Nhà vẫn ở nguyên chỗ cũ, đất canh tác đã bị thu hồi, anh Huỳnh Bá Dũng, ở tổ 37 phường Hòa Quý chuyển sang trồng cây cảnh và sản xuất nấm ăn mấy năm nay. Khi bắt tay vào chuyển đổi, anh được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hỗ trợ 10 triệu đồng để làm nhà nấm, tập huấn chuyển giao công nghệ... Mấy năm nay, đều đều, mỗi tháng anh thu 2,5 - 3 triệu đồng từ nấm. Khoảng đất 200m2 trước nhà, anh để hàng trăm cây cảnh. Ngoài ra, anh còn sản xuất bàn, ghế bằng bê-tông cốt thép giả gỗ, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện thu hút nhiều lao động trẻ địa phương. Tại cơ sở chế tác búp sen, bi trụ... bằng đá trắng của anh Phạm Đức Phúc, chúng tôi bắt gặp 6-7 thanh niên miệt mài với công việc. Anh Phúc cho biết, cách đây 4 năm, anh là nhà nông thực thụ, quanh năm tảo tần với mấy sào ruộng. Khi ruộng bị thu hồi, anh sung vào làng nghề với chân thợ phụ.
Thế rồi, chẳng bao lâu, anh là thợ chính rồi vay tiền mở cơ sở riêng. Hơn một năm nay, cơ sở có 7 lao động của anh không khi nào rỗi việc, thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. “Cũng may địa phương xây dựng làng nghề khá bài bản, các cơ sở có cơ hội đầu tư. Những cơ sở mới ra đời đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích rất phù hợp, tạo động lực để phát triển. Chỉ tiếc, mặt bằng hơi chật”, chủ cơ sở tuổi 30 này chia sẻ.
Ông Ngô Văn Mai, Chánh văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, xây dựng các khu đô thị mới từ vùng thuần nông ở phía đông nam Đà Nẵng là chủ trương lớn của thành phố. Sẽ không trọn vẹn, nếu như phố xá khang trang hiện đại cứ thế mọc lên, nhưng tại đó người dân thiếu việc làm, đời sống khó khăn.
Do vậy, vấn đề quận đặc biệt quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị tập trung giải quyết đó là khâu an sinh xã hội sau giải tỏa. Đến nay, quận Ngũ Hành Sơn đạt được thành công bước đầu trong lĩnh vực này. 5 năm qua, trên địa bàn quận đã có 13.477 lao động trong độ tuổi có việc làm mới, thu nhập ổn định. Trong đó có 3.589 người được các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp, 4.836 người tự tìm việc làm bằng chuyển đổi ngành nghề, 825 người tìm được việc từ các hội chợ việc làm và 4.239 người được vay vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề...
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu