Sau Internet và mạng xã hội, khái niệm “Internet of Things” (IoT) được xem là công nghệ mới, mở ra khả năng vô tận cho một tương lai thông minh hơn. Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đang hướng tới cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT cũng như cho ra đời những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn để phục vụ nhu cầu thiết thực của cuộc sống.
IoT mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành CNTT. TRONG ẢNH: Giải pháp điều khiển hệ thống điều hòa trong nhà bằng thiết bị di động dựa trên xu hướng IoT của Global Cybersoft. |
Xu hướng IoT
Những năm gần đây, khái niệm IoT được giới công nghệ bàn tán như một đột phá mới. Hiểu một cách đơn giản, IoT có nghĩa là tất cả mọi vật dụng trong cuộc sống đều có thể kết nối với nhau qua mạng Internet, với những chức năng giao tiếp, tương tác để phục vụ nhu cầu con người. Theo các chuyên gia mạng, IoT được xem là giải pháp tối ưu mà qua đó các cá nhân, DN có thể xây dựng nhiều ý tưởng ứng dụng thiết thực vào cuộc sống như thành phố thông minh, nhà thông minh, giao thông thông minh…
“Cuộc sống của chúng ta sẽ thú vị hơn nếu mọi vật đều kết nối với Internet. Chẳng hạn như hệ thống nhà thông minh “Smart home” chẳng hạn. Chỉ cần một nút bấm trên màn hình cảm ứng của điện thoại thông minh (smartphone) hay máy tính bảng, bạn có thể điều khiển ngôi nhà của mình theo ý muốn như khi đi làm về, bạn thấy điều hòa bật sẵn, rèm cửa được kéo lên, quần áo đã được giặt và phơi…”, anh Đặng Hoàng Long, Giám đốc Chi nhánh Công ty Global Cybersoft tại Đà Nẵng cho biết.
Theo anh Long, dù mới xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây nhưng IoT được xem là xu hướng mới và là giải pháp mang tính toàn cầu được nhiều bạn trẻ yêu công nghệ tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.
Các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) cho rằng, xu hướng IoT sẽ giúp ngành CNTT của Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ vì công nghệ này sẽ tạo ra hàng loạt cơ hội mới chưa từng có. “Tôi nghĩ rằng IoT sẽ mở ra cơ hội khởi nghiệp không giới hạn cho các bạn trẻ theo đuổi ngành CNTT. Chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu trên lĩnh vực này để ra trường lập thành một đội săn đón của các công ty chứ không đơn thuần là chờ xin việc”, bạn Trần Văn Thanh, lớp 13T3, khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng chia sẻ.
Không chỉ các bạn sinh viên ấp ủ ước mơ khởi nghiệp từ IoT mà cộng đồng yêu công nghệ nghiên cứu trong lĩnh vực IoT cũng ngày càng đông. Chỉ mới thành lập vài tháng nhưng nhóm Vietnam IoT Hub đã quy tụ hơn 150 thành viên là chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, giảng viên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố.
“Không chỉ là nơi trao đổi các vấn đề, giải pháp và ứng dụng liên quan đến IoT mà Vietnam IoT Hub còn là cơ hội cho các bạn học kỹ thuật nhưng lại có đam mê kinh doanh được thử sức trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, có thể đem lại thu nhập ổn định và học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế”, anh Nguyễn Trường Sơn, thành viên Vietnam IoT Hub chia sẻ. Theo các thành viên sáng lập Vietnam IoT Huh thì đây là nhóm công nghệ duy nhất tại Đà Nẵng nghiên cứu về IoT nhằm kết nối ý tưởng cho các bạn trẻ khởi nghiệp (startup) cũng như tìm các nhà đầu tư vào các khởi nghiệp IoT.
Phát triển IoT bền vững
Với hạ tầng băng thông phát triển mạnh mẽ, các chuyên gia CNTT nhận định trong vài năm tới, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến, ứng dụng trên nền tảng IoT. Trong đó, Đà Nẵng dự báo sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, so với 2 đầu đất nước, hiện xu hướng công nghệ IoT ở Đà Nẵng vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, các kiến trúc nền tảng cho IoT chưa theo một chuẩn mực cụ thể. “Các trường đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng vẫn chưa có khóa đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này. Người học phần cứng thì chỉ chuyên về phần cứng, còn người học phần mềm chỉ chuyên về phần mềm trong khi IoT lại cần sự “bắt tay” của 2 ngành này”, anh Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm Đà Nẵng phân tích.
Hiện đã có một số sản phẩm, ứng dụng, giải pháp theo xu hướng IoT được thị trường CNTT Đà Nẵng đánh giá cao như hệ thống tiết kiệm năng lượng, nhà thông minh, giao thông thông minh… Nhưng các công trình này vẫn còn ở dạng nghiên cứu chứ chưa đưa vào sử dụng rộng rãi trong cuộc sống.
“Để các DN khởi nghiệp có thể tạo ra chuỗi cung ứng IoT đáp ứng nhu cầu thiết thực của cuộc sống thì thành phố cần phải có dự án tiên phong nhằm giúp DN tạo ra sức cạnh tranh ở thị trường nội địa cũng như hướng tới thị trường quốc tế”, đại diện một DN đề xuất. Trong “làn sóng” công nghệ ngày càng phát triển, IoT sẽ rất tiềm năng khi giải quyết nhiều lĩnh vực “nóng” của thành phố như giao thông, giáo dục, y tế… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ thấp chi phí, cắt giảm nguồn nhân lực.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN