Từ những kết quả bước đầu
Thành phố Đà Nẵng là một trong các địa phương thành lập khu công nghiệp (KCN) đầu tiên trên cả nước, khởi đầu là KCN Đà Nẵng (KCN An Đồn trước đây) với tổng diện tích ban đầu 303,275ha. Đến năm 1995, phê duyệt Quy hoạch chi tiết KCN Đà Nẵng với diện tích 68,32ha.
Tiếp nối sự thành công của KCN Đà Nẵng, lần lượt các KCN được thành lập và phát triển mạnh mẽ: KCN Hòa Khánh (1997: 423,5ha), KCN Liên Chiểu (1997: 373ha), KCN Hòa Cầm (2003: 137ha), KCN Hòa Khánh mở rộng (2004: 216,52ha), KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (2006: 57,99ha). Đến thời điểm năm 2006, tổng diện tích các KCN theo quy hoạch 1.276,33ha.
Cần tăng cường và cải thiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Qua 10 năm, tính đến cuối năm 2015, quy hoạch các KCN giảm còn 1.066,52ha (tỷ lệ lấp đầy 85,01%, trong đó có 2 KCN do thành phố đầu tư có tỷ lệ lấp đầy 100%), giải quyết hơn 74.000 lao động; năm 2015 các doanh nghiệp (DN) KCN đóng góp ngân sách thành phố hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong đó có các dự án lớn như: Công ty TNHH VBL Đà Nẵng, Công ty TNHH TCIE Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng… đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách hàng năm của thành phố.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động của các KCN trên địa bàn thành phố. Theo đó, quy mô KCN nhỏ, đa số nằm xen kẻ trong các khu dân cư. Nhiều dự án là dự án di dời vào KCN để chỉnh trang đô thị, phần lớn các dự án này thiếu những điều kiện cơ bản như thiết bị công nghệ, thị trường, không có năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm dẫn đến bế tắc.
Bài học thực tế cho thấy, sự thiếu chọn lọc nghiêm túc để một số dự án loại này tận dụng cơ hội thuê lại đất giá rẻ (4.200 đồng/m2/năm) và hưởng ưu đãi miễn giảm tiền thuê lại đất. Đến khi hết thời gian hưởng ưu đãi cũng là lúc các dự án này bộc lộ sự cạn kiệt năng lực tài chính, bế tắc thị trường từ đó dẫn đến chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà xưởng.
Ngoài những dự án di dời như đã nói ở trên, nổi lên một số doanh nghiệp không có nhu cầu đầu tư nhưng nắm bắt cơ hội lập dự án sản xuất để thuê lại đất, nhưng qua nhiều năm không triển khai dự án, sau đó chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà xưởng để thu lợi.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật vừa chắp vá vừa thiếu đồng bộ, không đáp ứng cho dự án đầu tư do thiếu vốn đầu tư ban đầu. Qua rà soát 419 DN vào tháng 11-2015 trong 6 KCN, có khoảng 60% DN có năng lực sản xuất.
Một số giải pháp chủ yếu
Trước tiên phải tập trung xây dựng các KCN mới theo quy hoạch vùng để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của thành phố Đà Nẵng theo phương thức xã hội hóa, việc sử dụng ngân sách chỉ để hỗ trợ một phần cho đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó cần hỗ trợ doanh nghiệp để ít nhất 80% doanh nghiệp có năng lực sản xuất trong các KCN hiện có.
Tạo mặt bằng từ KCN hiện có: Tận dụng, khai thác mặt bằng hiện có, cần có giải pháp căn cơ để di dời, thu hồi đất các dự án đầu tư không có thực lực, thực chất chiếm đất mà không tổ chức sản xuất, cho thuê lại để có quỹ đất bố trí dự án đầu tư mới vào KCN.
Trước mắt, tập trung xử lý đối với các dự án không có cơ sở sản xuất của chính chủ đầu tư mà thuần túy là kinh doanh bất động sản trong KCN thì cần điều chỉnh lại khung giá thuê đất cho phù hợp. Thực hiện nghĩa vụ thuế theo Luật Kinh doanh bất động sản, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết đăng ký lộ trình thời gian loại hình dự án thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch chi tiết KCN.
Qua kết quả rà soát vào tháng 11-2015, có 40% dự án không có năng lực sản xuất hoặc năng lực sản xuất thấp. Đối với các dự án này, trong năm 2016 sẽ tiến hành phân loại và thu hồi những dự án không có khả năng tiếp tục đầu tư.
Sẽ tạo điều kiện cho các dự án có nhu cầu chuyển nhượng thực hiện, tuy nhiên cũng sẽ không để tình trạng và thời gian chuyển nhượng kéo dài, trong thời hạn quá 90 ngày kể từ ngày có văn bản hướng dẫn của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (gọi tắt là Ban Quản lý - BQL), nếu chủ dự án không tìm được đối tác nhận chuyển nhượng thì BQL lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấm dứt dự án để kêu gọi nhà đầu tư mới. Mục tiêu phấn đấu để đến năm 2017, có được gần 90% dự án có năng lực sản xuất.
Chuyển Khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao thành KCN Hòa Sơn: Theo đó, chuyển diện tích khoảng 426ha Khu công nghệ thông tin thành KCN: Phần mở rộng giai đoạn 2 của Khu công nghệ thông tin 210ha/341ha (cả giai đoạn 1 và 2), gần đường ĐT602, khu vực đèo Ông Gấm. Hiện chưa triển khai (phê duyệt hơn 2 năm) do một số vướng mắc. Phần diện tích Khu công nghệ thông tin số 2 về hướng đường ĐT602 là 56ha. Khu phụ trợ công nghệ cao giữa Khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin giai đoạn 2 là 160ha;
Có đề án tính toán lại quy mô phát triển khu công nghệ cao trong 10-20 năm tới cần bao nhiêu diện tích là phù hợp không để tình trạng khu công nghệ cao cứ đắp chiếu nằm chờ dự án..., trong khi đó, dự án sản xuất có công nghệ trung bình có nhu cầu đầu tư vào KCN lại không có đất để bố trí. Để cân bằng, nên cắt khu phụ trợ công nghệ cao (khoảng 300ha) và công nghệ thông tin để hình thành Khu công nghiệp mới.
Lưu ý, việc chọn các dự án vào KCN mới này cũng có công nghệ hợp lý có lộ trình chuyển dần sang công nghệ cao, theo đó cần có bước chuyển dịch thay đổi công nghệ thích hợp và tạo sự phát triển cho thành phố. Trong năm 2016, có thể lấy 50ha đến 100ha để thu hút đầu tư theo dạng cuốn chiếu. Đó là giải pháp tình thế và là điều kiện thiết yếu để có mặt bằng thu hút các dự án đầu tư trong 5 năm đến (2016-2021).
Mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2: Nằm trong danh mục các KCN ưu tiên thành lập đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006, cần nghiên cứu, mở rộng thêm khoảng 150ha KCN Hòa Cầm về hướng tây nam, để KCN Hòa Cầm bảo đảm 300ha.
Thành lập các KCN mới: Trong đó, về KCN Hòa Nhơn, hiện nay, quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013, Khu kho tàng mỏ đá Hòa Nhơn có diện tích khoảng 400ha, nằm dọc theo tuyến đường cao tốc Liên Chiểu - Dung Quất và khu nhà máy gạch không nung, giáp với núi ra đường Hoàng Văn Thái.
KCN Hòa Khương: Nhanh chóng bổ sung quy hoạch KCN Hòa Khương với quy mô 300ha để thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ.
KCN Hòa Ninh: Nằm trong danh mục các KCN ưu tiên thành lập đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006, với diện tích 200ha.
Thu hút, ưu đãi đầu tư: Cần thay đổi phương thức vận động, thu hút đầu tư một cách linh hoạt, hướng đến một số khu vực nhất định có tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản,... với nội dung phù hợp cho từng khu vực; Thực hiện nguyên tắc “ưu đãi cái mà nhà đầu tư cần, chứ không phải chỉ ưu đãi cái thành phố có”.
Có chính sách ưu đãi và hỗ trợ thích đáng không chỉ ưu đãi về đất mà cần có hình thức đa dạng hơn, bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để giải quyết ưu đãi và hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, kết nối giữa trường đại học kỹ thuật với các dự án có kỹ thuật, công nghệ cao (Nhật Bản) để nhà đầu tư có chương trình tiếp cận đào tạo thêm tại nhà máy thay vì nhà đầu tư phải đào tạo lại như một số dự án hiện nay.
Tăng cường và cải thiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư: Đây là công tác cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị và cần có chương trình xúc tiến đầu tư khả thi hơn những hoạt động mà thành phố đã thực hiện trong những năm qua.
Về phía KCN, BQL liên tục cải thiện môi trường đầu tư trong phạm vi quản lý, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai vị trí lô đất trống cần kêu gọi đầu tư cho đến thái độ ứng xử, làm việc của cán bộ, công chức. BQL đã thành lập 2 tổ xúc tiến đầu tư và các tổ hỗ trợ doanh nghiệp với mục đích tăng cường, hỗ trợ kịp thời nhu cầu tìm hiểu và đầu tư vào KCN.
Với bước đi hài hòa có cơ sở thực tiễn như đã trình bày về điều chỉnh thay đổi nội tại bên trong các KCN để chuyển đổi nâng cấp chất lượng KCN hiện hữu, đồng thời thực hiện giải pháp trình tự phát triển KCN mới.
Theo đó sẽ cải thiện môi trường thu hút đầu tư các KCN thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020), thực hiện ba đột phá, trong đó đột phá đầu tiên là “Tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ”.
Phạm Việt Hùng
Trưởng ban BQL các KCN và chế xuất Đà Nẵng