Kinh tế
Triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút FDI
Trong giai đoạn 2010-2015, thành phố thu hút được 252 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,416 tỷ USD. So với giai đoạn 2005 - 2010, tổng vốn FDI giai đoạn 2010 - 2015 chỉ bằng 70% (tổng vốn cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2005 - 2010 đạt hơn 2 tỷ USD).
Sản xuất ở Công ty TNHH MTV TBO VINA. Ảnh: THÀNH LÂN |
Những “rào cản” trong thu hút đầu tư
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2015 còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.
Qua phân tích, có thể thấy thu hút đầu tư vào Đà Nẵng đạt kết quả không cao do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:
Khu vực miền Trung có quy mô dân số thấp, phân tán, đời sống đại bộ phận dân cư có thu nhập thấp, do đó sức mua của người dân thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi đã làm cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào miền Trung thấp. Đà Nẵng nằm ở khu vực miền Trung nên đã chịu ảnh hưởng chung về điều này.
Xác định ngành mũi nhọn: Trong thời gian, qua Đà Nẵng chưa thực sự xác định ngành công nghiệp mũi nhọn riêng cho địa phương. Có thể thấy, ngành công nghiệp của thành phố còn phát triển dàn trải, chưa tập trung đến phát triển sản phẩm chủ lực, vệ tinh; do đó không thu hút được các ngành công nghiệp phụ trợ.
Về hạ tầng: Đà Nẵng có lợi thế thuận lợi về cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế và tuyến đường huyết mạch của quốc gia đi qua và có nhiều khu công nghiệp do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nhất định: Về cảng biển: Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển chủ yếu quá cảnh tại Singapore chứ chưa đi trực tiếp đến các cảng quốc tế trên thế giới. Cước phí vận chuyển của Đà Nẵng còn cao.
Về cảng hàng không: Số chuyến bay quốc tế trực tiếp từ Đà Nẵng còn khiêm tốn. Chưa có đường bay trực tiếp đến các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - đối tác trọng điểm thu hút đầu tư.
Về cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung: Các KCN của Đà Nẵng gần như đã lấp đầy và không còn những lô đất lớn để thu hút các dự án sản xuất lớn. Thu hút đầu tư vào các KCN có chọn lọc, không cấp phép cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do đó đã hạn chế thu hút các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn.
Các công trình nhà ở cho chuyên gia cũng như chung cư cho công nhân gần các KCN của thành phố chưa được đầu tư xây dựng. Cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao chưa hoàn chỉnh và Khu công nghệ thông tin tập trung chưa được triển khai xây dựng; do đó, chưa thu hút được những nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Quỹ đất trống không còn nhiều, giá cho thuê đất và chuyển quyền sử dụng đất tại Đà Nẵng còn cao hơn so với các địa phương lân cận và hai đầu đất nước. Về lao động kỹ thuật: Thiếu lao động kỹ thuật và nhà quản lý giỏi.
Các doanh nghiệp có vốn FDI gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân có trình độ tay nghề, nhất là trong các lĩnh vực cơ khí - chế tạo và điện tử. Về công tác xúc tiến đầu tư: Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa chủ động trong việc tiếp cận nhà đầu tư lớn và chưa có sự phối hợp của nhiều đơn vị như các công ty phát triển hạ tầng KCN, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản…; do đó nội dung xúc tiến đầu tư chưa thực sự phong phú và hấp dẫn người tham dự. Kinh phí đầu tư cho hoạt động xúc tiến còn hạn chế.
Triển khai các giải pháp thực hiện đột phá chiến lược
Nhằm tận dụng những cơ hội mở ra trong thời gian tới từ việc tăng trưởng kinh tế trong nước và quốc tế đang trên đà hồi phục, Đà Nẵng cần có những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hiệu quả cả về số lượng và chất lượng.
Một là, cần phải phát triển toàn khu vực miền Trung để nâng cao đời sống cho người dân, như vậy mới giải quyết một phần do hạn chế về thị trường. Trong đó, cần chú ý tập trung vào vấn đề liên kết vùng để phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực miền Trung. Đà Nẵng phải tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và phát triển nền kinh tế để thật sự trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, tài chính và là “đầu tàu” của cả khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần phải có một cơ chế đặc thù về chính sách ưu đãi cho Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các dự án có vốn đầu tư cao, công nghệ hiện đại để thu hút đầu tư.
Hai là, chú trọng công tác quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư. Lãnh đạo thành phố sớm chỉ đạo các ngành lập kế hoạch, dự toán chi phí có liên quan đối với các lô đất lớn, dự kiến về giá sàn của lô đất để cơ quan xúc tiến đầu tư có thông tin cung cấp cho nhà đầu tư. Đây là yếu tố cần thiết và phải được triển khai sớm, tránh tình trạng chờ nhà đầu tư đến tìm hiểu mới bắt đầu quy hoạch; như thế sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi và làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với chính quyền thành phố.
Ba là, tiếp tục xúc tiến các đường bay trực tiếp đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia mà thành phố đã chọn là đối tác trọng điểm. Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng, năng lực xếp dỡ cảng Tiên Sa, cảng Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh doanh trên cơ sở năng lực hiện có: tăng tuyến vận chuyển hàng hóa, tăng cường kết nối các phương thức vận tải đến các cảng biển đầu mối, các trung tâm phân phối hàng hóa trên thế giới, phát triển vận tải đa phương thức để giảm giá cước vận chuyển hàng hóa nội địa và xuất khẩu. Nhanh chóng xây dựng các kho bãi phục vụ công tác tập kết và lưu trữ hàng hóa đảm bảo chất lượng. Cần xây dựng thêm cảng Liên Chiểu đủ khả năng tiếp nhận các tàu container có trọng tải lớn của quốc tế và phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực miền Trung.
Bốn là, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN, Khu công nghệ cao. Yêu cầu các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, tăng cường trồng cây xanh, chăm sóc cảnh quan tạo môi trường làm việc tốt cho nhà đầu tư và người lao động trong KCN. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu chung cư trong KCN tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm làm việc.
Đối với Khu công nghệ thông tin tập trung, cần tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng và vận hành. Chính quyền thành phố cần hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng để có những cơ chế ưu đãi đặc biệt. Sớm hình thành khu đô thị mới tại khu vực Khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp. Yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề, bên cạnh việc đào tạo đón đầu thì phải đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo năng lực chuyên môn cho người lao động và góp phần làm giảm chi phí đào tạo lại cho doanh nghiệp.
Sáu là, làm tốt công tác cải cách hành chính. Sớm xây dựng cơ chế phối hợp trong quá trình xúc tiến và giải quyết những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư tạo niềm tin cho nhà đầu tư và hiệu ứng lan tỏa đến các nhà đầu tư tiềm năng khác. Cơ quan xúc tiến đầu tư phải được quyền cập nhật thường xuyên các số liệu về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch để cung cấp kịp thời và chính xác cho nhà đầu tư.
Bảy là, công tác xúc tiến phải đẩy mạnh theo chiều sâu. Trước đây việc tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư tại nước ngoài thường kết hợp với các đoàn ra của lãnh đạo thành phố, điều này đôi khi không mang lại hiệu quả. Công tác xúc tiến đầu tư cần làm tách biệt và phù hợp với từng chủ đề và đối tác trọng điểm. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu những nhà đầu tư tiềm năng để chủ động tiếp cận. Không chỉ cơ quan xúc tiến đầu tư mà chính quyền thành phố phải thực sự quan tâm, tiếp cận và có những giải pháp linh hoạt để kêu gọi nhà đầu tư.
Mai Thị Hải Châu