.

Nỗ lực chống gian lận thương mại

.

Dù triển khai nhiệm vụ phòng, chống gian lận thương mại một cách quyết liệt, tuy nhiên, Đà Nẵng được xem là địa bàn trung chuyển thuận lợi, nên các đối tượng vẫn đẩy mạnh vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, nhất là các mặt hàng như thuốc lá, bia rượu, ô-tô, điện thoại di động, đồ điện tử, hàng lâm sản...

Hàng lậu, hàng giả tuồn về Đà Nẵng mỗi năm một tăng.  Trong ảnh: Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng lậu, hàng giả.
Hàng lậu, hàng giả tuồn về Đà Nẵng mỗi năm một tăng. Trong ảnh: Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng lậu, hàng giả.

Vạch trần những thủ đoạn mới   

Theo nhận định của các thành viên Ban chỉ đạo chống gian lận, thương mại, hàng lậu, hàng giả thành phố (BCĐ 389/TP), hiện nay các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở của pháp luật, chính sách, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi mới để thoát khỏi sự kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Trong đó phổ biến là vận chuyển hàng hóa không kèm theo hồ sơ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ. Để đối phó với việc bị kiểm tra, tạm giữ, các đối tượng thường mua hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn quay vòng để hợp thức hóa hàng nhập lậu. Do những quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn thiếu chặt chẽ nên các đối tượng dễ dàng lách luật để qua mặt lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố cho hay: Thủ đoạn khác của các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại thường dùng là xé lẻ thuốc lá, ngụy trang dưới dạng hành lý, vận chuyển trên xe khách, xe đông lạnh; mua hàng hóa có chất lượng thấp, đóng gói dưới nhãn hiệu các mặt hàng có thương hiệu, giả mạo gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để đưa vào các chợ, siêu thị tiêu thụ.

Trên lĩnh vực Hải quan, ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố phản ánh, thủ đoạn của một số doanh nghiệp xuất khẩu là khai báo trị giá hàng hóa thấp hơn giá trị thực. Không ít doanh nghiệp lợi dụng hệ thống thông quan điện tử VNACCS để không khai và khai báo sai về mặt hàng, số lượng, trọng lượng, khai sai tên hàng, công dụng của hàng nhập khẩu để áp sai mã số hàng hóa nhập khẩu nằm ngoài danh mục rủi ro, quản lý chuyên ngành nhằm làm sai lệch kết quả phân tích, xử lý thông tin trong quy trình phân luồng tờ khai của hệ thống để hệ thống phân luồng xanh, luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế), khai sai xuất xứ nhằm mục đích gian lận thương mại, trốn thuế.

Ngoài ra, Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết thêm: Các đối tượng lợi dụng quà biếu gửi qua dịch vụ bưu chính để nhập các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; băng đĩa, tài liệu có nội dung phản động, đồi trụy; không khai báo ngoại tệ vượt định mức của hành khách xuất cảnh; vận chuyển các mặt hàng cấm thuộc các phụ lục Cites bằng cách tổ chức cất giấu tinh vi: giấu trong đá đục lỗ (bọc giấy bạc chống soi chiếu, trong gỗ và đậu đỏ), chuyển tải về một nước thứ 3 khi đưa về Việt Nam, chuyển container lòng vòng qua nhiều cảng khác nhau để tránh bị theo dõi; thay đổi tên người nhận hàng, sử dụng nhiều công ty khác nhau, khi bị phát hiện từ chối nhận hàng để tránh sự kiểm tra của Hải quan và trốn tránh trách nhiệm pháp lý…

Tăng cường phối hợp để chống gian lận

So sánh số liệu 5 năm trở lại đây (từ 2011- 2015), năm 2015 có số vụ kiểm tra cũng như xử lý cao nhất với 10.868 vụ, tăng 20% so với năm 2014; số vụ xử lý cũng đạt hơn 70% tổng số vụ kiểm tra. Trong 3 tháng đầu năm 2016, riêng QLTT thành phố đã xử lý trên 1.800 vụ vi phạm với tổng tiền thu trên 5,1 tỷ đồng.

Dù triển khai nhiệm vụ quyết liệt, tuy nhiên, Đà Nẵng được xem là địa bàn trung chuyển thuận lợi, nên các đối tượng vẫn đẩy mạnh vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, nhất là các mặt hàng như thuốc lá, bia rượu, ô-tô, điện thoại di động, đồ điện tử, hàng lâm sản...

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Trưởng BCĐ 389 thành phố yêu cầu các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp, kết hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng và với các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở phường, xã… Công tác phối hợp trong điều tra, trinh sát, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, tập kết và phân phối hàng lậu, hàng cấm, hàng giả… cần được đồng bộ hơn.

Ông Trần Phước Trí, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố cho rằng, không chỉ giữa các thành viên trong BCĐ phối hợp mà còn có sự phối hợp giữa quần chúng nhân dân trong việc cung cấp nguồn tin. Thời gian qua, tuy mới thành lập nhưng đường dây nóng của các đội QLTT đã phát huy được hiệu quả trong dịp cao điểm Tết vừa qua. Nhờ đó, lực lượng chức năng đã kịp thời nắm bắt thông tin phản ánh của báo chí và nhân dân và xử lý xác đáng vụ việc.

“Khuyết điểm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay là sự phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng còn yếu, mạnh ai nấy làm, dẫn tới việc xử lý các vụ việc đôi khi còn chậm, không kịp thời, không đúng đối tượng…”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.